Chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc họp với một số doanh nghiệp bất động sản, để ngỏ có khả năng mở đường cho các doanh nghiệp bất động sản nhà nước thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với các công ty bất động sản đang gặp khó khăn, theo Global Times.
Cuộc họp diễn ra sau khi các báo cáo truyền thông nói rằng những giới hạn cho vay đối với các thương vụ mua lại được xét bằng nợ sẽ bị xóa bỏ. Việc này giống như một biện pháp để đẩy nhanh quá trình M&A của các công ty bất động sản đang mắc nợ, một nhà phân tích cho biết.
Các quy tắc cho vay được gọi là "ba lằn ranh đỏ" dùng để xác định các ngưỡng nợ đối với các công ty bất động sản được các cơ quan quản lý Trung Quốc đưa ra vào năm 2020.
Kể từ tháng 9/2021, theo quy tắc "ba lằn ranh đỏ", thị trường bất động sản Trung Quốc dần hạ nhiệt và một số chủ đầu tư, bao gồm Evergrande Group, phải vật lộn với các vấn đề về thanh khoản, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
"Cuộc họp ở Quảng Đông nhấn mạnh sự tập trung của chính phủ vào việc xử lý tài sản cho các doanh nghiệp gặp khó khăn. Vì các doanh nghiệp bất động sản lớn ở Quảng Đông đã tham gia vào các cuộc đàm phán này với chính quyền địa phương, đây là cơ hội để các doanh nghiệp mắc nợ cao cùng những công ty có tình trạng tài chính tốt hơn có thể nói chuyện trực tiếp”, Yan Yuejin, Giám đốc nghiên cứu tại E-house R&D China R&D Institute có trụ sở tại Thượng Hải cho biết.
Ông Yan lưu ý rằng chính sách của Quảng Đông sẽ giúp giải quyết những lo ngại về việc mua lại tài sản của các công ty đang gặp khó khăn. Đồng thời, ông tin rằng các tỉnh khác nên rút kinh nghiệm khi họ nỗ lực giải quyết rủi ro tài sản và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Kể từ quý 4/2021, các chính sách liên quan đến M&A đã được nới lỏng. Vào tháng 12, ngân hàng trung ương Trung Quốc cùng Ủy ban điều tiết ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc, đã tuyên bố khuyến khích các tổ chức tài chính cho vay để mua bán và hỗ trợ việc sáp nhập các công ty bất động sản cũng như mua lại các dự án của các doanh nghiệp bất động sản lớn.
"Thị trường trái phiếu và cổ phiếu bất động sản được kỳ vọng sẽ nhận được sự thúc đẩy từ các chính sách gần đây, qua đó mang lại lợi ích cho các thương vụ M&A", ông Yan chia sẻ.
Zou Lan, một quan chức cấp cao của Ngân hàng Trung ương cho biết vào cuối năm 2021 rằng các thương vụ M&A giữa các doanh nghiệp bất động sản sẽ là cách hiệu quả nhất để lĩnh vực này xử lý rủi ro và cải thiện thanh khoản.
Ngoài ra, việc thúc đẩy điều chỉnh cơ cấu thị trường bất động sản thông qua các thương vụ M&A sẽ giúp các doanh nghiệp đang mắc nợ sớm giải quyết rủi ro nợ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua nhà.
Cuối cùng, việc này cũng sẽ khuyến khích các công ty tham gia thị trường chú ý hơn đến việc đánh giá rủi ro và quản lý các dự án của họ, đồng thời thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc.
JLB tổng hợp