Sẵn sàng để hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại Cái Mép Hạ

10-12-2022

Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính Trị đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng để phát triển Vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, chủ trương về hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ được kỳ vọng sẽ tạo không gian đặc thù, động lực thúc đẩy phát triển cho Bà Rịa – Vũng Tàu và vùng Đông Nam Bộ.

 

Một phương án quy hoạch khu thương mại tự do tại Cái Mép Hạ

Ưu thế vị trí địa lý đặc biệt cùng tiềm năng sẵn có

Việt Nam hiện có 18 khu kinh tế ven biển, nhưng chỉ phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ mà chưa có khu thương mại tự do. Vì vậy, cần thiết tiến tới hình thành khu thương mại tự do để đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, tích lũy vốn và công nghệ, rút ngắn thời gian và chi phí xâm nhập vào thị trường thế giới.

Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi có vị trí địa lý đặc biệt, nằm trên trục đường xuyên Á, có hệ thống cảng nước sâu được xếp loại đặc biệt của quốc gia, đóng vai trò cửa ngõ hướng ra biển của vùng Đông Nam Bộ.

Hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm như: đường cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, đường vành đai 4 TPHCM, đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu, hệ thống giao thông liên cảng… đã và đang hình thành sẽ tạo thành hệ thống giao thông đa phương thức, kết nối liên hoàn, đồng bộ giữa hệ thống cảng Cái Mép Thị Vải - Trung tâm logistics Cái Mép Hạ - Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM - Các trung tâm dịch vụ logistics, các khu công nghiệp, đô thị trong vùng Đông Nam Bộ… Đồng thời, kết nối vùng Đông Nam Bộ với các vùng khác trên cả nước, với các quốc gia trong hành lang kinh tế xuyên Á; và với các quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương và thế giới,...

 

Phối cảnh đề xuất quy hoạch trung tâm Logistic Cái Mép Hạ

Cùng với vị trí địa lý và các lợi thế của Bà Rịa – Vũng Tàu, là sự phát triển tiềm năng vùng Đông Nam Bộ, nơi đóng góp 32% GDP, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước, vùng sản xuất ra lượng hàng hóa lớn nhất cả nước;... Những yết tố này chính là nguồn lực quan trọng và bền vững để chọn Cái Mép Hạ  - cửa ngõ hướng ra biển là nơi thiết lập mô hình khu thương mại tự do, tạo động lực phát triển vùng Đông Nam Bộ.

Địa phương chủ động, sẵn sàng triển khai

Để chuẩn bị sẵn sàng cho việc hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, chính quyền địa phương đã chủ động triển khai thực hiện hàng loạt công tác cần thiết, sẵn sàng tiến tới thành lập khu thương mại tự do.

Cụ thể, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện các thủ tục cập nhật chủ trương phát triển khu thương mại tự do vào quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh cũng đang xúc tiến lập Đề án nghiên cứu khả thi thành lập khu thương mại tự do Cái Mép Hạ. Đồng thời, tỉnh cũng lập quy hoạch Trung tâm logistic Cái Mép Hạ với diện tích 1.686,73ha; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, việc triển khai đầu tư các công trình giao thông trọng điểm kết nối liên cảng và liên vùng đang được đẩy mạnh; phối hợp với Trung ương và các địa phương trong vùng thúc đẩy triển khai các dự án giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ; đặc biệt là kết nối hệ thống cảng Thị Vải – Cái Mép cùng với cảng hàng không quốc tế Long Thành, TPHCM và các trung tâm công nghiệp, đô thị trong vùng.

 

Tàu biển làm hàng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải

Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hàng loạt các công việc sẽ được Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục triển khai để tổ chức thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, sớm hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ.

Đó là các công việc như: xác định vị trí, quy mô khu thương mại tự do Cái Mép Hạ; tham khảo, nghiên cứu để đề xuất lựa chọn mô hình phát triển khu thương mại tự do phù hợp với đặc thù vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, đất đai... của khu vực Cái Mép Hạ; xây dựng chiến lược thu hút các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, năng lực quản lý đến khu thương mại tự do...

Đồng thời, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang thực hiện xây dựng hệ thống chính sách phát triển khu thương mại tự do đồng bộ, cạnh tranh và hiệu quả như: chính sách phát triển kinh tế - thuế quan cạnh tranh, tạo được ưu thế đặc thù, riêng biệt, nổi bật so với khu vực Đông Nam Á và thế giới; chính sách ưu đãi về tài chính hướng đến khuyến khích đầu tư dài hạn, ngăn chặn các kẽ hở, trục lợi; chính sách về đất đai, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước phải phòng ngừa tình trạng đầu cơ, lợi ích nhóm…

Tỉnh cũng chú trọng các chính sách về khoa học công nghệ, khuyến khích chuyển giao công nghệ phù hợp với thông lệ quốc tế; chính sách xuất khẩu, nhập khẩu phải phù hợp về tỉ lệ sản phẩm tiêu thụ tại chỗ và vấn đề nội địa hoá các sản phẩm..

Bên cạnh đó, địa phương cũng đang chuẩn bị để sẵn sàng về mặt bằng đất đai, cơ sở hạ tầng… cũng như chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp hoạt động trong khu thương mại tự do.  

Theo ông Nguyễn Văn Thọ nhận định, việc hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ không phải là cơ chế ưu đãi dành riêng cho Bà Rịa – Vũng Tàu mà là cơ chế đặc thù cho cả vùng Đông Nam Bộ; tạo ra một công cụ kinh tế hữu hiệu để Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

JLB Holdings tổng hợp/theo laodongvn