Nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 3,1 độ C nếu thế giới không hành động nhanh hơn

28-10-2024

Theo báo cáo của Liên hợp quốc vào ngày 25/10

Báo cáo Khoảng cách phát thải hàng năm cho thấy thế giới sẽ phải đối mặt với mức tăng nhiệt độ lên tới 3,1°C so với mức trước thời kỳ công nghiệp vào năm 2100 nếu các chính phủ không có hành động mạnh mẽ hơn nhằm cắt giảm lượng khí thải làm Trái đất nóng lên.

Các chính phủ vào năm 2015 đã ký Thỏa thuận chung Paris và giới hạn mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,5°C để ngăn chặn một loạt các tác động nguy hiểm.

"Chúng ta đang chới với trên "sợi dây thừng của hành tinh". Các nhà lãnh đạo hoặc thu hẹp khoảng cách phát thải, hoặc chúng ta sẽ lao vào thảm họa khí hậu" - Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu vào ngày 24/10

Lượng khí thải nhà kính toàn cầu đã tăng 1,3% trong giai đoạn 2022 - 2023, lên mức cao mới là 57,1 gigaton carbon dioxide tương đương - báo cáo cho biết. Thậm chí nếu tất cả các cam kết cắt giảm khí thải được thực hiện như đã cam kết, nhiệt độ vẫn sẽ tăng từ 2,6°C đến 2,8°C vào năm 2100, báo cáo cho biết. Điều này cũng phù hợp với những phát hiện trong ba năm qua.
 

Thế giới hiện đã nóng lên khoảng 1,3°C.

Các quốc gia sẽ họp vào tháng 11 tới tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu thường niên của Liên hợp quốc (COP29) tại Azerbaijan. Tại đây, đại diện các nước sẽ thảo luận dựa trên một thỏa thuận đã đạt được vào năm 2023 nhằm chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nhiên liệu xanh.

Các cuộc đàm phán tại Baku sẽ giúp cung cấp thông tin cho chiến lược cắt giảm khí thải được cập nhật của mỗi quốc gia - được gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) - dự kiến vào tháng 2/2025.

Do đó, thập kỷ tới rất quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, các quốc gia thuộc nhóm G20 nói riêng sẽ cần phải thể hiện nhiều tham vọng hơn nữa trong vòng cam kết về khí hậu tiếp theo, dự kiến vào đầu năm 2025.

Báo cáo cho rằng các quốc gia phải cùng nhau cam kết và thực hiện cắt giảm 42% lượng khí thải nhà kính hàng năm vào năm 2030 và 57% vào năm 2035, qua đó có hy vọng ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu lên vượt quá 1,5°C - một mục tiêu hiện được coi là có khả năng nằm ngoài tầm với.