Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tháng 9, tiền gửi dân cư tiếp tục giảm 1.500 tỷ đồng, sau khi giảm 1.000 tỷ đồng trong tháng trước. Lũy kế đến cuối tháng 9, tiền gửi khu vực dân cư tăng 2,9%, thấp hơn con số gần 3% vào cuối tháng 7. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi dân cư thấp nhất, xét trên cùng kỳ mỗi 5 năm qua.
Trong 5 năm qua, tiền gửi khu vực dân cư có xu hướng tăng chậm lại. Điều này cho thấy người dân đang bớt gửi tiền vào ngân hàng. Nếu năm 2016, tăng trưởng tiền gửi của dân cư là 17,4%, năm 2017 chỉ là 13,54% và liên tục giảm 4 năm sau đó. Đến năm 2020, con số này còn 6,46%.
Nguồn: NHNN, đơn vị: %
Nguyên nhân dẫn đến diễn biến trên đến từ mặt bằng lãi suất huy động thấp trên thị trường. So với trước dịch, lãi suất huy động đã giảm 1,5-2 điểm phần trăm. Trao đổi tại buổi họp báo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Phó thống đốc Đào Minh Tú nhận định mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã xuống rất thấp, không thể gắn việc giảm lãi suất đầu vào để hạ lãi suất đầu ra từ nay đến cuối năm.
Theo lãnh đạo NHNN, lạm phát hiện ở mức thấp, 9 tháng đầu năm tăng 1,82%, nhưng theo dự báo của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), lạm phát cả năm nay sẽ vào khoảng 3% và mục tiêu của Quốc hội là dưới 4%. Mặt khác, lãi suất đầu vào của ngân hàng đã giảm liên tục từ năm 2020, còn khoảng 5-5,5%/năm. Nếu lạm phát duy trì ở mức 3%, người gửi tiền mới có lãi suất thực dương.
Theo CTCK Bảo Việt, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) đang có mức lãi suất huy động thấp nhất từ năm 2017 đến nay.
Phó thống đốc cho biết thực tế trong thời gian qua, khi lãi suất huy động giảm tăng trưởng tiền gửi thấp hơn tăng trưởng tín dụng cùng giai đoạn. Vì vậy, ông Tú cho rằng không thể đặt ra mục tiêu giảm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất đầu ra thời điểm này.
Ông Tú nói nếu huy động với lãi suất quá thấp thì người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng, chuyển sang mua nhà, mua vàng. Điều này có thể dẫn đến bất ổn cho nền kinh tế. Các ngân hàng chủ yếu vay từ người dân để cho vay trở lại nền kinh tế. Do đó, các tổ chức tín dụng phải duy trì được nguồn vốn đầu vào, ổn định lãi suất, đảm bảo lợi ích người gửi tiền mới có thể huy động.
Lãi suất tiền gửi thấp khiến nhiều người dân chuyển tiền sang đầu tư chứng khoán, bất động sản… Trong 10 tháng, nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam đã mở mới hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn tổng số tài khoản được nhóm này mở trong giai đoạn 2017 - 2020 cộng lại. Riêng tháng 10, hơn 129.500 tài khoản chứng khoán do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, tăng gần 13% so với tháng trước.
Số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán tăng góp phần thúc đẩy thanh khoản thị trường. Phiên giao dịch 19/11, lần đầu tiên nhà đầu tư chứng kiến tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường hơn 56.195 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD.
Tăng trưởng tiền gửi chủ yếu từ doanh nghiệp
Tính chung 9 tháng, tổng tiền gửi của khách hàng tại các TCTD đạt hơn 10,55 triệu tỷ đồng, tăng hơn 530.000 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương tăng 5,3%. Mức tăng trưởng này chủ yếu nhờ khách hàng doanh nghiệp khi tiền gửi của nhóm khách hàng này tăng hơn 380.000 tỷ, tương đương tăng 7,8%, ở mức hơn 5,25 triệu tỷ đồng.
CTCK Rồng Việt (VDSC) đã dự báo mức tăng trưởng tổng tiền gửi năm nay dao động 9,2-12,3%, và có khả năng chỉ dừng lại ở mức một chữ số ngay cả khi cân nhắc đến yếu tố mùa vụ của nhu cầu gửi tiền của doanh nghiệp. Tuy nhiên, CTCK vẫn chờ các kế hoạch tái mở cửa rõ ràng hơn để đánh giá tốc độ phục hồi trước khi điều chỉnh dự báo.
JLB Tổng hợp/theo NDH