Lâm Đồng kiên quyết thu hồi dự án xây dựng nếu chủ đầu tư không khắc phục sai phạm

24-11-2021

UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 8232 nhằm thực hiện Chỉ thị 12 (ngày 10/8) của Ban Thường vụ Tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu cần chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị trên địa bàn trong thời gian qua; đưa công tác này vào nề nếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Tăng cường công tác quản lý, theo dõi, giám sát, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý ngay từ đầu các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị. Đảm bảo các quyết định xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và công tác quản lý Nhà nước.

Ảnh minh hoạ. (Internet)

Nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát của cấp uỷ, chính quyền. Người đứng đầu các cấp trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý trật tự xây dựng, đô thị trên địa bàn tỉnh.

Phân công nhiệm vụ giữa các cấp, các ngành nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, lập lại trật tự, giữ gìn mỹ quan, an ninh, an toàn đô thị…

Tăng cường công tác quản lý quy hoạch đảm bảo phù hợp với quy định, tình hình thực tế và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát các khu vực phức tạp về trật tự đô thị để ra quân thí điểm nhằm xử lý triệt để.Để thực hiện kế hoạch này, Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch.

Các công trình xây dựng phải được kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Việc xử lý công trình vi phạm phải được công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy định pháp luật…

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra trách nhiệm các phòng chuyên môn trong công tác quản lý trật tự xây dựng; xem xét, xử lý trách nhiệm Chủ tịch, Phó chủ tịch cấp xã, lãnh đạo các phòng chuyên môn được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn nhưng buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm…

Địa phương nào để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hiệu quả thì người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Giao Sở Xây dựng tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, thủ tục hành chính liên quan về quy hoạch, phát triển đô thị, cấp giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng.

Cung cấp kịp thời các thông tin về quy hoạch, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, giấy phép xây dựng và các thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh tăng cường công tác quản lý đất đai trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chia tách thửa, chuyển nhượng, cho tặng và chuyển mục đích sử dụng đất, đặt biệt tại các khu vực đang lập quy hoạch, đất dự án, khu vực kêu gọi thu hút đầu tư…

Thanh tra, kiểm tra, theo dõi, giám sát công tác quản lý, sử dụng đất đai; ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai; xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất trái phép, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý phân lô, tách thửa không đúng quy định.

Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong việc tham mưu cấp, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng lý đầu tư các dự án. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các dự án theo đúng quy định của pháp luật, đúng tiến độ, mục đích đầu tư theo dự án đề ra.

Kịp thời xử lý hoặc đề xuất UBND tỉnh xử lý đối với các dự án có sai phạm; kiên quyết thu hồi đối với các trường hợp chủ đầu tư không chấp hành các quyết định xử lý vi phạm về trật tự xây dựng tại dự án...

Theo kế hoạch, trong năm 2021, Lâm Đồng sẽ hoàn thành các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện. Trong năm 2022-2023, tỷ lệ phủ kín 100% quy hoạch phân khu đối với TP Đà Lạt, Bảo Lộc và quy hoạch chi tiết tại các đô thị thuộc các huyện...

JLB Tổng hợp/theo NDH