Chiều ngày 1/8, lãnh đạo ACV, chủ đầu tư "siêu" dự án sân bay Long Thành xác nhận Liên danh Vietur do nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu “khủng” 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành...
Theo dự kiến, thứ 6 tuần này sẽ mở hồ sơ đề xuất tài chính và ACV cần thời gian đánh giá, sau đó, sẽ thông tin chính thức về kết quả.
Trong bối cảnh thấp thỏm trông ngóng kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu 5.10 “Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách” trị giá 35.233 tỷ đồng, bao gồm việc thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách của dự án thành phần 3 thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, thông tin Liên danh nhà thầu Vietur trúng thầu gây xôn xao giới đầu tư từ xây dựng, bất động sản, chứng khoán.
Tuy nhiên, phản hồi thông tin này, thông tin tới VnEconomy, lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), chủ đầu tư dự án sân bay Long Thanh cho biết Liên danh Vietur do nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu này. Theo dự kiến, thứ 6 tuần này (ngày 4/8) mới mở hồ sơ đề xuất về tài chính và đơn vị cần thời gian đánh giá, chỉ khi kết quả tổng hợp hai gói được thông báo chính thức, ACV mới phát hành thông tin chính thức.
NAN GIẢI CHỌN NHÀ THẦU
Vào tháng 9/2022, gói thầu 5.10 được đấu thầu lần 1, tuy nhiên, đến tháng 12/2022, ACV quyết định hủy gói thầu do chỉ có một nhà thầu liên danh nộp hồ sơ dự thầu. Đồng thời, hồ sơ dự thầu của nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu.
Đến ngày 19/1/2023, ACV phát hành hồ sơ mời thầu lần 2 đối với gói thầu 5.10 và phải tiếp tục gia hạn thời gian nộp hồ sơ dự thầu. Ngày 12/6, ACV tiến hành đóng thầu gói thầu số 5.10 và mở thầu 30 phút sau đó. Theo đó, có 3 liên danh nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu.
Đây là một trong những gói thầu xây lắp và cung cấp thiết bị lớn nhất trong lĩnh vực hàng không cũng như xây dựng hạ tầng kỹ thuật cao từng được triển khai tại Việt Nam.
Hình thức đấu thầu gói thầu 5.10 là đấu thầu rộng rãi quốc tế, không qua mạng, không sơ tuyển. Phương thức lựa chọn nhà thầu là một giai đoạn hai túi hồ sơ. Theo lộ trình, các nhà thầu này sẽ được lựa chọn dựa trên chấm điểm năng lực tài chính, kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật. Sau đó, sẽ đến vòng 2 đấu thầu về giá xây dựng dự kiến được tổ chức vào thứ 6 tới đây (ngày 4/8).
Theo lãnh đạo ACV, công tác đánh giá năng lực nhà thầu dựa trên hồ sơ dự thầu trên tinh thần chính xác, khách quan, công bằng nhằm chọn nhà thầu đảm bảo chất lượng, tiến độ và giá cả cạnh tranh nhất.
Hồ sơ mời thầu gói thầu 5.10 đưa ra một số tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm. Đó là, nhà thầu có giá trị tài sản ròng trong năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu phải dương; doanh thu bình quân 5 năm tài chính gần nhất (không bao gồm thuế VAT) có giá trị tối thiểu 19.800 tỷ đồng; nguồn lực tài chính thực hiện gói thầu có giá trị là 3.244 tỷ đồng; từ ngày 1/1/2011 đến thời điểm đóng thầu, nhà thầu phải hoàn thành tối thiểu 1 công trình nhà ga hành khách trong cảng hàng không cấp đặc biệt, hoặc công trình kết cấu dạng nhà cấp đặc biệt, có giá trị lớn hơn hoặc bằng 14.798 tỷ đồng…
Về năng lực kỹ thuật, hồ sơ mời thầu yêu cầu hàng trăm nhân sự cao cấp, với kinh nghiệm và các chứng chỉ, trình độ chuyên môn bậc cao trong các nhóm thi công công trình; nhân sự chủ chốt lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công. Ngoài ra, hồ sơ mời thầu còn yêu cầu hàng chục thiết bị hạng nặng.
Quan trọng hơn, hồ sơ dự thầu yêu cầu đề xuất biện pháp thi công, biểu đồ tiến độ. Đây là tiêu chí trọng yếu quyết định thành bại của nhà thầu trong cạnh tranh gói thầu 5.10, sau đó mới đến loạt yêu cầu khắt khe về hồ sơ đề xuất tài chính.
NĂNG LỰC LIÊN DANH VIETUR
Sau nhiều lần gia hạn, mãi đến ngày 12/6, ba nhà thầu chính thức nộp hồ sơ dự thầu gói thầu 5.10 gồm (i) Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors do nhà thầu Trung Quốc đứng đầu; (ii) Liên danh Hoa Lư do nhà thầu Việt Nam Coteccons (CTD) đứng đầu và có thành viên là nhà thầu Thái Lan; (iii) Liên doanh Vietur do nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu cùng một số thành viên là các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Newtecons của ông Nguyễn Bá Dương và Tổng công ty Vinaconex.
Soi kỹ năng lực liên danh nhà thầu vừa lọt vòng kỹ thuật của gói thầu 5.10 có thể thấy Liên danh Vietur được dẫn dắt bởi IC ISTAS được thành lập năm 1969, trực thuộc Tập đoàn IC Holding tại Thổ Nhĩ Kỳ. Địa chỉ tập đoàn tại Merkez Mahallesi Silahşör Caddesi Hilton Otel Apt. No: 42/1 Bomonti şişli, Istanbul Turkey.
Liên danh Vietur bao gồm 10 thành viên: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng Công ty Xây dựng Số 1, Công ty cổ phần Kết cấu Thép ATAD, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty cổ phần Hawee Cơ điện, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội.
Theo giới thiệu, IC ISTAS nằm trong top 3 nhà thầu lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, từng tham gia thi công nhiều cảng hàng không lớn trên thế giới như sân bay quốc tế St. Petersburg Pulkovo có quy mô 20 triệu hành khách năm; đầu tư sân bay Antalya theo hình thức BOT; thi công giai đoạn 1 sân bay King Khaled, Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia.
Bên cạnh đó, Liên danh Vietur còn có hiện diện một số doanh nghiệp trong nước như: Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và nhiều doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của ông Nguyễn Bá Dương (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons) như Ricons, Newtecons và SOL E&C. Theo dữ liệu từ Vietnam Report, 4/8 doanh nghiệp trong nước thuộc top 10 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam 2023.
Vinaconex từng cùng Tập đoàn Taisei (Nhật Bản) liên danh thắng thầu quốc tế dự án nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài. Tổng công ty cũng vừa hoàn thành xây dựng sân bay Phú Bài (Huế) và có rất nhiều kinh nghiệm trong triển khai các dự án hạ tầng trong lĩnh vực đầu tư công.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) ghi nhận lãi ròng đạt gần 103 tỷ đồng, giảm 21% so cùng kỳ năm trước.
Trong quý 2/2023, Vinaconex ghi nhận doanh thu thuần gần 4.566 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 130 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ.
Luỹ kế nửa đầu năm, Vinaconex đạt 6.532 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương tăng 85%; lãi ròng gần 109 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ. Doanh thu của Vinaconex có được chủ yếu đến từ hoạt động xây lắp với hơn 3.922 tỷ đồng; các dự án bất động sản cũng đem lại doanh thu lớn khi đạt 1.659 tỷ đồng, sản xuất công nghiệp 337 tỷ đồng, hoạt động giáo dục hơn 126 tỷ đồng; còn lại đến từ doanh thu cho thuê, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác 487 tỷ đồng. Quy mô tài sản Vinaconex tại ngày 30/6 hơn 31.409 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm.
Còn lại hai liên danh không vượt qua vòng kỹ thuật.
Một là, Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors: gồm China Harbour Engineering Comopany Limited và CHEC (đại diện thị trường hải ngoại của Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc). Theo giới thiệu, đây là những nhà thầu hàng đầu Trung Quốc thi công rất nhiều dự án lớn bao gồm sân bay, cảng biển, cơ sở hạ tầng... trên toàn cầu.
Hai là, Liên danh Hoa Lư có 8 thành viên. Đây là liên danh duy nhất có nhà thầu trong nước đứng đầu là Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons. Cùng với đó là các công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam như: Central, An Phong, Hòa Bình, Thành An, Unicons, Delta.
Công ty nước ngoài duy nhất trong liên danh này là Powerline Engineering Public Company Limited (PLE) - nhà thầu đến từ Thái Lan. Năm 2020, công ty này hoàn thành sân bay vệ tinh tại Bangkok (Thái Lan) nhằm kết nối giữa sân bay mới và nhà ga cũ của sân bay Suvarnabhumi với phạm vi công việc mang tính phức và đòi hỏi kỹ thuật cao. Tổng giá trị gói thầu trị giá 14,2 tỷ bath (khoảng 404 triệu USD) và tổng diện tích 220.000m2, khi hoàn thành có khả năng phục vụ tới 90 triệu khách.
Thông điệp được liên danh này đưa ra đó là nếu được chọn để xây nhà ga sân bay Long Thành, liên danh nhà thầu nội do Coteccons đứng đầu sẽ hoàn thành vào tháng 8/2026, tức thi công khoảng 36 tháng.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia và mang tầm cỡ hàng đầu khu vực châu Á Thái Bình Dương với tổng vốn đầu tư khoảng 336.630 tỷ đồng, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm và chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1 xây 1 đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm. Dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025.
Gói thầu nhà ga hành khách (gói 5.10) là gói có vốn đầu tư "khủng" trị giá 35.233 tỷ đồng. Giới phân tích đánh giá, việc trúng gói thầu 5.10 là yếu tố hỗ trợ đáng kể cho các nhà thầu trong nước trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng. Giả sử biên lợi nhuận ròng thu được trên tổng giá trị gói thầu là 3%, ước tính tổng lợi nhuận ròng mà liên danh trúng thầu thu được sẽ vào khoảng 1.000 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này là tương đối lớn so với lãi ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019-2022 của Coteccons (264 tỷ đồng), Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (lỗ ròng 133 tỷ đồng) và Vinaconex (866 tỷ đồng).
Trước thềm khởi công sân bay Long Thành, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với doanh thu 4.929 tỷ đồng, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế tăng nhẹ lên 3.236 tỷ đồng, vượt giai đoạn khó khăn vì đại dịch Covid.
JLB Holdings tổng hợp