Đông Nam Bộ sẽ trở thành trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Nam Á

15-04-2023

Vùng Đông Nam Bộ được định hướng trở thành trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế. Tại đây sẽ tập trung thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và có giá trị toàn cầu; Phát triển mạnh kinh tế biển, dịch vụ hậu cần biển, dịch vụ hàng hải công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí…

Phối cảnh nút giao Tân Vạn

Đây là một số nội dung thuộc Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 

TẬP TRUNG THU HÚT CÁC DỰ ÁN CÔNG NGHIỆP QUY MÔ LỚN

Nghị quyết đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030: GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 triệu đồng, tương đương 14.500 USD; tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến chế tạo 33%), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 10,7%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30 - 35%; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70 – 75%..

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, Nghị quyết cũng đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó có nhiệm vụ phát triển nhanh, bền vững tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng. Với các giải pháp là: đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng hiện đại, lấy khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm. Đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao. Tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo chiều sâu, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Tăng cường kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp; Tập trung thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và có giá trị toàn cầu. Phát triển các khu công nghiệp – dịch vụ - đô thị hiện đại và các khu công nghiệp công nghệ cao. Xây dựng mới một số khu công nghệ thông tin, công nghệ số tập trung tại TP.HCM và hình thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện tử, các sản phẩm Interrnet vạn vật, trí thuệ nhân tạo tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ của khu vực Đông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế. Phát triển dịch vụ có chất lượng và giá trị gia tăng cao trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, công nghệ số, viễn thông; khoa học – công nghệ; du lịch, logistics… Phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế tại các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu), tỉnh Tây Ninh. Tập trung xây dựng trung tâm logistics hàng không gắn với cảng hàng không quốc tế Long Thành

Đầu tư phát triển hệ thống logistics, cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM… Đồng thời phát triển mạnh kinh tế biển, dịch vụ hậu cần biển, dịch vụ hàng hải công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí… Khai thác mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế, đa dạng hoá loại hình du lịch khu vực Đông Nam Bộ.

ĐẾN 2026: HOÀN THÀNH ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 3, MỞ RỘNG CẢNG HÀNG KHÔNG TÂN SƠN NHẤT

Một nhiệm vụ nữa là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị. Với nhiệm vụ này, Nghị quyết đưa ra các giải pháp: Chủ động, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ số, sinh học, tự động hoá, vật liệu mới… Qua đó, phát triển khoa học - công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế vùng;

Nâng cao chất lượng đô thị, đảm bảo hiện đại, thông minh, kết nối với các đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới; hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ , logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng. Phát triển chuỗi công nghiệp – đô thị Mộc Bài – TP.HCM – Cảng Cái Mép – Thị Vải gắn với hành lang kinh tế Xuyên Á…

Đặc biệt, ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông. Về thời hạn, Nghị quyết nêu rõ: đến 2026, hoàn thành đường vành đai 3 TP.HCM và mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đến 2030 hoàn thành đường vành đai 4 TP.HCM; tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo quy hoạch đã được duyệt như: Biên Hoà, - Vũng Tàu; TP.HCM – Mộc Bài; TP. HCM – Chơn Thành…; Nâng cấp, mở rộng hệ thống cao tốc, quốc tế TP.HCM – Trung Lương, TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyến kết nối cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đầu tư hoàn thiện hệ thống đường ven biển qua tỉnh Bà Rịa _ Vũng Tàu, TP.HCM; Đẩy nhanh, hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị TP.HCM nố với các tỉnh Bình Dương , Đồng Nai, tuyến đường sắt Thủ Thiêm – Long Thành, nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt vận tải hàng hoá Biên Hoà – Vũng Tàu kết nối với cảng biển Cái Mép – Thị Vải, TP.HCM – Cần Thơ…

Bên cạnh 2 nhiệm vụ nêu trên là các nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng;  Phát triển văn hóa xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

JLB Holdings tổng hơp/theo vneconomy