Các dự án đường sắt kết nối đến cảng cửa ngõ Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) được đề xuất trong danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài với số vốn gần 90.000 tỷ đồng.
Các cảng biển cửa ngõ quốc tế của Việt Nam chưa có được hiệu suất khai thác tốt nhất do “khoảng trắng” đường sắt vẫn đang hiện hữu
Thiếu đường sắt, cảng biển giảm sức hút
Dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng sản lượng hàng hóa thông qua hai bến khởi động trong 10 tháng của cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện) vẫn đạt gần 570.000 TEU, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm 2020.
Trước đó, với việc tiếp nhận hơn 650.000 TEU hàng container thông qua, bến số 1, 2 cảng Lạch Huyện kết thúc năm 2020 với mức tăng tưởng tới hơn 50%.
Dù hàng hóa tăng mạnh, song theo ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, hạn chế lớn nhất của Lạch Huyện hiện nay là hàng hóa chủ yếu lưu thông bằng đường bộ với con đường độc đạo là Tân Vũ - Lạch Huyện.
“Tỷ lệ hàng hóa kết nối bằng đường thủy nội địa dù tăng dần qua các năm, song còn khiêm tốn với 0,13% trong năm 2018, năm 2019 đạt 1,37%, năm 2020 đạt 2,01% và 10 tháng đầu năm 2021 đạt 4,3%”, ông Vũ nói và cho rằng, thực tế đó đòi hỏi tuyến đường sắt kết nối cảng Lạch Huyện cần sớm được nghiên cứu triển khai.
Tương tự Lạch Huyện, cụm cảng CM-TV cũng gặp không ít khó khăn về hạ tầng kết nối khi đường bộ đến cảng chỉ có đường độc đạo là QL51 thường xuyên tắc nghẽn. 85% hàng hóa từ CM-TV phải lưu thông bằng đường thủy.
Đại diện một DN cảng tại Cái Mép cho biết, theo tính toán, nếu vận chuyển bằng đường bộ, chỉ cần một tàu mẹ hơn 15.000 TEU cập cảng cũng đủ làm QL51 tê liệt.
Trong khi đó, việc đưa/rút hàng bằng đường thủy khiến các bến cảng container tại Cái Mép không khai thác được tối đa công suất do phải mất diện tích phục vụ cho giao nhận sà lan.
“Nếu không có tuyến đường sắt kết nối CM-TV để san sẻ áp lực với đường bộ, hiệu suất khai thác bến bị ảnh hưởng khiến tàu phải chờ lâu, CM-TV sẽ dần mất đi sức hấp dẫn với hãng tàu lớn”, vị này nhận định.
Quy mô dự án “khủng” thế nào?
Ông Dương Hồng Anh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, đơn vị này vừa trình Bộ GTVT văn bản đề xuất danh mục các dự án mới kêu gọi đầu tư nước ngoài lĩnh vực đường sắt;
Trong đó, có đề cập đến dự án đầu tư đường sắt vào cảng Lạch Huyện và dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu kết nối cảng CM-TV.
Dự án đầu tư đường sắt vào cảng Lạch Huyện đang ở bước lập dự án để thay thế tuyến đường sắt đến cảng Hải Phòng do hạn chế khai thác bởi ảnh hưởng giao thông đô thị.
Dự án có điểm đầu là ga Dụ Nghĩa trên khu gian Dụ Nghĩa - Vật Cách, tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng, điểm cuối là ga Tiền Cảng (ga phân loại) với hướng tuyến cải tạo ga Dụ Nghĩa (ga nối ray) và mở mới ga Nam Hải Phòng (ga lập tàu).
Từ ga Dụ Nghĩa tuyến đường vượt qua sông Lạch Tray theo hướng xuống phía Nam TP Hải Phòng tới ga Nam Hải Phòng (khu vực xã Minh Tân), tới bán đảo Đình Vũ, qua cầu Tân Vũ đến ga Đình Vũ.
Từ ga Đình Vũ, tuyến song song với đường bộ qua cửa Nam Triệu đến ga phân loại. Từ ga phân loại, tuyến rẽ phải chạy dọc cầu tàu để cập bến trong cảng Lạch Huyện.
Dự án sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 32,6 nghìn tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn dự kiến 25 năm và thời gian hoàn trả vốn vay là 30 năm.
Với dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, hiện đã được lập dự án đầu tư và được Bộ GTVT chấp thuận kết quả nghiên cứu và được cập nhật nghiên cứu khả thi hoàn thành năm 2019 do Koica tài trợ.
Tuyến đường sắt này có chiều dài 84km, khổ 1.435mm, đi song song QL51, đi qua khu vực cảng CM-TV và cảng Bến Đình - Sao Mai.
Cũng theo ông Hồng Anh, vốn đầu tư dự án dự kiến khoảng 56,8 nghìn tỷ đồng. Thời gian thu hồi vốn là 19 năm, thời gian hoàn trả vốn vay là 30 năm.
Với các dự án nêu trên, Cục Đường sắt VN đã đề xuất kêu gọi đầu tư nước ngoài theo hình thức tài trợ vốn, hợp tác hoặc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật;
Liên doanh, góp vốn mua cổ phần hoặc cung cấp thị trường. Riêng dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đã được đưa vào danh mục Bộ GTVT kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT.
Cơ chế nào đảm bảo tính khả thi?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Khánh Tùng, Phó trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt nhận định, để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, việc phê duyệt chủ trương đầu tư là điều cần thiết.
Với các dự án đường sắt đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), nhất là dự án xây dựng tuyến mới, việc kêu gọi đầu tư cả dự án sẽ rất khó vì số tiền bỏ ra lớn nhưng lại khó thu hồi.
“Cần xác định rõ hạng mục nhà đầu tư có thể tham gia. Ví dụ, Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt chính, tư nhân đầu tư đầu máy - toa xe hoặc đầu tư kho, bãi. Phương án tài chính phải rõ ràng để triển khai đồng bộ thì dự án mới khả thi”, ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, pháp luật hiện hành đang quy định Nhà nước chỉ đầu tư đường sắt chính tuyến phía ngoài cảng, còn đường sắt trong cảng phải do DN đầu tư.
Điều này sẽ nảy sinh bất cập khi các DN cảng không đầu tư hoặc có nhu cầu nhưng thời gian đầu tư chưa xác định cụ thể. Khi đó, đường sắt chính tuyến sẽ không phát huy được hiệu quả vì không thể kết nối tận chân hàng.
Theo ông Trần Khánh Hoàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cảng biển VN, các dự án đầu tư của phương thức này sẽ khó thực hiện được dưới hình thức PPP, đặc biệt là ở khu vực CM-TV. Dự án đường sắt kết nối CM-TV sẽ có tính khả thi cao hơn khi được đầu tư bằng vốn ngân sách.
“Dự án khả thi nhất trong phát triển đường sắt kết nối cảng biển hiện tại là dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam, cơ quan chức năng cần tìm hiểu xác định những vị trí có thể hình thành được trung tâm hàng hóa lớn (khu kinh tế, cụm công nghiệp) và “xẻ nhánh” kết nối để gom hàng theo chủ trương Nhà nước đầu tư tuyến nhánh, DN tư nhân tham gia xây dựng trung tâm logistics. Bản thân cảng biển khi ấy cũng sẽ là một trung tâm hàng hóa”, ông Hoàng nói.
Ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT cho rằng, các tuyến đường sắt ngắn kết nối cảng biển thường có tổng mức đầu tư ít, có thể huy động được nguồn lực của các DN. Dự án nào cấp thiết, cần Nhà nước đầu tư thì bỏ vốn ngân sách của T.Ư hoặc địa phương.
JLB Tổng hợp