Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK), sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030 sẽ ưu tiên tập trung đầu tư một số CHK lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng thủ đô Hà Nội (Nội Bài) và vùng TP.HCM (Tân Sơn Nhất và Long Thành). Từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 CHK hiện hữu, đầu tư 6 CHK mới để nâng tổng số CHK của cả nước đưa vào khai thác lên 28 CHK, tổng công suất thiết kế đáp ứng khoảng 278 triệu lượt hành khách; đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận tới CHK trong phạm vi 100 km. Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống CHK đến năm 2030 khoảng 400.000 tỉ đồng (chiếm khoảng 22% nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành), được huy động nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Sân bay Phan Thiết - minh hoạ
Trước đó, trong quá trình xây dựng quy hoạch toàn quốc, đã có 11 địa phương đề xuất bổ sung sân bay gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Đắk Nông, Ninh Bình, Hà Giang, Hòa Bình, Bình Phước, Kon Tum, Hà Tĩnh, Trà Vinh và Ninh Thuận. Tuy nhiên trong quy hoạch 2021 - 2030, Bộ GTVT chỉ đề xuất bổ sung thêm 6 sân bay mới, gồm: Long Thành (Đồng Nai, đang xây dựng), Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Sa Pa (Lào Cai), Quảng Trị, Phan Thiết ((Bình Thuận)), nâng tổng số lên 28 sân bay. Quy hoạch 2030 - 2050 sẽ bổ sung sân bay Cao Bằng, lên 29 sân bay.
Trong giai đoạn này sẽ hình thành CHK thứ 2 hỗ trợ CHK quốc tế Nội Bài về phía đông nam Hà Nội và một số CHK, sân bay tại các nơi có nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Các chỉ tiêu quy hoạch dự kiến của CHK thứ 2 hỗ trợ Nội Bài sẽ được nghiên cứu, xác định giai đoạn trước năm 2030.
Bộ GTVT cũng đề xuất vẫn duy trì vị trí quy hoạch CHK quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 640/2011 để thay thế CHK quốc tế Cát Bi giai đoạn sau năm 2030...
Về giải pháp huy động vốn đầu tư, sẽ huy động tối đa theo phương thức đối tác công - tư. Giao UBND các tỉnh, TP có quy hoạch CHK mới tổ chức thực hiện đầu tư. Các CHK quan trọng quốc gia, hoặc có hoạt động chiến lược về quốc phòng, an ninh sẽ ưu tiên sử dụng nguồn lực của nhà nước để đầu tư.
Theo Báo Thanh Niên