ACV chốt ngày khởi công nhà ga sân bay Long Thành

27-08-2023

Nhà ga sân bay Long Thành (gói thầu 5.10) có tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng, lấy hình ảnh hoa sen làm ý tưởng chính, được thiết kế xây dựng và áp dụng các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực hàng không sắp được khởi công…

 

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) dự kiến ngày 26/8/2023 sẽ tổ chức khởi công xây dựng công trình nhà ga hành khách và đường cất hạ cánh của dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Theo đó, công trình nhà ga hành khách (gói thầu 5.10) có giá trị hơn 35.000 tỷ đồng, thời gian thi công nhà thầu đề xuất 39 tháng, được đánh giá phức tạp và có giá trị lớn nhất của dự án sân bay Long Thành.

Công trình nhà ga hành khách được thiết kế xây dựng và áp dụng các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực hàng không; lựa chọn chủng loại vật liệu theo xu hướng áp dụng cho các nhà ga hàng không hiện đại trên thế giới, đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ và đặc tính của nhà ga hàng không; áp dụng các loại vật liệu bao che đảm bảo tiết kiệm năng lượng cho nhà ga, thân thiện với môi trường.

Nhà ga hành khách lấy hình ảnh hoa sen làm ý tưởng chính và được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục, được bố trí theo dạng tập trung gồm khu vực trung tâm và 3 cánh.

Theo thiết kế, nhà ga này sẽ được xây dựng với 2 luồng đi và đến tách biệt, gồm 1 tầng trệt và 3 lầu, đỉnh mái cao gần 46m, bố trí 40 vị trí đỗ máy bay. Dự kiến hoàn thành và đi vào sử dụng trong năm 2026 với công suất khai thác 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa.

Với các hạng mục sân đường khu bay với đường cất hạ cánh (gói thầu số 4.6), công trình đường băng cất hạ cánh với giá trị hơn 7.000 tỷ đồng, thời gian thi công khoảng 23 tháng. Đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000m, rộng 45m; hệ thống 2 đường lăn song song, 6 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối, 4 sân đỗ tàu bay bay (sân đỗ tàu bay trước nhà ga hàng hóa, sân đỗ tàu bay trước nhà ga chuyển phát nhanh, sân đỗ bảo trì tàu bay, sân đỗ cách ly) và các sân đỗ phương tiện phục vụ mặt đất với diện tích khoảng 12,4ha.

Đồng thời, các hạng mục hạ tầng giao thông đi kèm như hệ thống đường công vụ khu bay (bao gồm đường kết nối khu bay, đường công vụ sân đỗ nhà ga hàng hóa, hangar, đường vành đai, đường bảo trì, đường tiếp cận khẩn cấp) có tổng chiều dài 29,67km; hệ thống thoát nước mưa khu bay; hệ thống đèn hiệu sân bay; hệ thống chiếu sáng sân đỗ tàu bay; hệ thống thiết bị hỗ trợ hạ cánh chính xác…

Bên cạnh đó, còn có các công trình phụ trợ khác như hệ thống hàng rào an ninh sân bay, bốt gác để đảm bảo công tác an ninh, ngăn chặn sự xâm nhập từ bên ngoài vào.

Gói thầu số 4.6 có dự toán được phê duyệt hơn 7.308 tỷ đồng, với thời gian thi công 700 ngày là gói thầu lớn thứ 2 thuộc dự án thành phần 3 của đại công trình sân bay Long Thành đến thời điểm hiện tại.

Trong ngày 31/8, nhà ga T3 - sân bay Tân Sơn Nhất gồm các hạng mục: nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn phía trước cũng được khởi công. Công trình có tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng, dự kiến thi công trong 20 tháng, khai thác từ quý 2/2025.

Trong đó, nhà ga hành khách gồm một tầng hầm và 4 tầng nổi, với 90 quầy thủ tục hàng không, 20 quầy gửi hành lý tự động, 42 kiosk check in, 27 cửa ra tàu bay (13 cửa ống lồng và 14 cửa bằng xe bus), 6 đảo xử lý hành lý đi và 10 đảo trả hành lý đến, 25 cửa kiểm soát an ninh hành khách. Sau khi hoàn thành, nhà ga T3 dự kiến sẽ phục vụ quốc nội với công suất 20 triệu hành khách mỗi năm.

JLB Holdings tổng hợp