Từ câu chuyện China Evergrande - Trung Quốc: Vay nợ của các doanh nghiệp bất động sản Việt ra sao?

24-10-2021

Cuộc khủng hoảng nợ tại tập đoàn bất động sản China Evergrande Group (Trung Quốc) gây ảnh hưởng toàn cầu, làm cho các nhà đầu tư bất ngờ và cũng làm giật mình các nhà đầu tư Việt Nam, theo nhận định từ Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISE). Tuy nhiên, theo VISE, tỷ lệ nợ của các công ty bất động sản Việt Nam hiện vẫn chưa đáng lo ngại.

 

Từ câu chuyện China Evergrande - Trung Quốc: Vay nợ của các doanh nghiệp bất động sản Việt ra sao?

Ảnh chụp dự án bất động sản và du lịch Life in Venice của China Evergrande Group ở Qidong, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào thứ Ba, ngày 21.9.2021. Ảnh: Getty Images

China Evergrande là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc. Công ty nằm trong danh sách Global 500 - những doanh nghiệp lớn nhất thế giới tính theo doanh thu. Được niêm yết tại thị trường chứng khoán Hồng Kông và có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc, China Evergrande sử dụng khoảng 200.000 lao động và gián tiếp duy trì hơn 3,8 triệu việc làm mỗi năm.

Tập đoàn được thành lập bởi tỷ phú Trung Quốc Xu Jiayin, từng là người giàu nhất Trung Quốc.

Theo báo cáo thường niên 2020 của Evergrande, doanh nghiệp này đang phát triển 798 dự án bất động sản tại 234 thành phố của Trung Quốc với quỹ đất 231 triệu m2. Evergrande đang tạo ra sân vận động bóng đá lớn nhất thế giới, với giả định rằng việc xây dựng sẽ hoàn thành vào năm tới như dự kiến. Địa điểm trị giá 1,7 tỷ USD này được tạo hình như một bông hoa sen khổng lồ, và có sức chứa 100.000 khán giả.

Trong những năm gần đây, các khoản nợ của Evergrande tăng lên khi công ty này đi vay để tài trợ cho các mục đích khác nhau của mình. Tập đoàn này đã nổi tiếng khi trở thành nhà phát triển mắc nợ nhiều nhất Trung Quốc. Tại ngày 31.12.2020, tổng tài sản của Evergrande đạt 350 tỷ USD với tổng nợ phải trả hơn 300 tỷ USD. Trong đó, nợ vay tài chính là 111 tỷ USD.

Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của công ty là 204% (ngưỡng giới hạn 100%). Tiền/nợ vay ngắn hạn là 0,4. Nợ phải trả/tổng tài sản là 85% (ngưỡng giới hạn 70%). Cả hai chỉ số là nợ vay/vốn chủ sở hữu và nợ phải trả/tổng tài sản của Evergrande đều vượt giới hạn.

Cuộc khủng hoảng nợ của nhà phát triển bất động sản China Evergrande được xem là một thử thách lớn đối với Bắc Kinh. Một số nhà phân tích lo ngại nó thậm chí có thể biến thành vụ Ngân hàng Lehman Brothers - từng gây khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008, sẽ gây ra những làn sóng chấn động khắp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bất động sản - và các ngành liên quan - chiếm tới 30% GDP của Trung Quốc.

Từ câu chuyện China Evergrande - Trung Quốc: Vay nợ của các doanh nghiệp bất động sản Việt ra sao?

Cuộc khủng hoảng nợ của nhà phát triển bất động sản China Evergrande là một thử thách lớn đối với Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images

Tại Việt Nam, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu bất động sản chiếm số lượng đông đảo đến 144 doanh nghiệp trải rộng trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCOM. Trong đó tỷ trọng vốn hóa của nhóm bất động sản đứng hàng thứ 2 thị trường, chỉ sau nhóm ngành ngân hàng và chiếm 19% tổng vốn hóa 3 sàn.

Tổng vốn hóa các cổ phiếu bất động sản đang niêm yết khoảng 65 tỷ USD. Đứng top đầu vốn hóa là VIC (Vingroup) và VHM (Vinhomes) với vốn hóa 331 và 265 nghìn tỷ đồng. Novaland đứng thứ 3 với trên 151 nghìn tỷ. Một số doanh nghiệp cũng là thế lực khá lớn trong ngành như chưa niêm yết có thể kể như Him Lam, Vạn Thịnh Phát, Đại Quang Minh … Nhưng các đại diện đang niêm yết trên sàn chứng khoán hiện là đại diện lớn nhất của ngành.

Theo VISE, tính từ năm 2014 đến nay, vốn chủ sở hữu của các công ty bất động sản tăng gấp 5 lần sau 7 năm với tốc độ tăng trung bình 23%/năm. Nợ tài chính các công ty bất động sản cũng tăng lên tương ứng từ 112 ngàn tỷ lên 323 ngàn tỷ vào quý 2.2021 với tốc độ tăng nợ trung bình 17%/năm.

Từ câu chuyện China Evergrande - Trung Quốc: Vay nợ của các doanh nghiệp bất động sản Việt ra sao?

Tình hình công nợ các cổ phiếu bất động sản trên sàn chứng khoán Việt qua các năm. Nguồn: VISE

Tính đến thời điểm quý 2.2021, có 4 doanh nghiệp có tổng nợ vay ngắn và dài hạn trên 17 ngàn tỷ đồng là VIC (Vingroup), NVL (Novaland), VHM (Vinhomes) và BCM (Becamex). Có 17 doanh nghiệp không có vay nợ tài chính.

Nếu tính giá trị tuyệt đối tổng cộng các khoản nợ ngắn và dài hạn các công ty bất động sản hàng năm thì tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu khoảng 61,5% vào năm 2021, thấp hơn khá nhiều so với con số đến 87% năm 2014.

Từ câu chuyện China Evergrande - Trung Quốc: Vay nợ của các doanh nghiệp bất động sản Việt ra sao?

Tỷ lệ vay/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán Việt qua các năm. Nguồn: VISE

Còn nếu tính trung bình các tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu các công ty thì tỷ lệ này chỉ khoảng 43% vào quý 2.2021.

Như vậy tỷ lệ nợ của các công ty bất động sản hiện vẫn chưa đáng lo ngại, theo VISE.

Theo thống kê của VISE, 20 doanh nghiệp bất động sản niêm yết vay nợ chiếm hết 91% tổng giá trị vay của toàn ngành bất động sản. Trong đó nếu chỉ tính riêng VIC (Vingroup), NVL (Novaland) và VHM (Vinhomes) chiếm 65% nợ của toàn ngành.

Từ câu chuyện China Evergrande - Trung Quốc: Vay nợ của các doanh nghiệp bất động sản Việt ra sao?

Top các doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán Việt vay nợ nhiều nhất. Nguồn: VISE

Những doanh nghiệp có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu cao đa số là doanh nghiệp bất động sản vừa và nhỏ. Trong số này đáng chú ý có một số doanh nghiệp lớn như HDG (Hà Đô), NVL (Novaland), BCM (Becamex).

Từ câu chuyện China Evergrande - Trung Quốc: Vay nợ của các doanh nghiệp bất động sản Việt ra sao?

Top doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu cao nhất trên sàn chứng khoán Việt. Nguồn: VISE

Các doanh nghiệp bất động sản hiện không có vay nợ phần lớn đến từ công ty bất động sản khu công nghiệp. Một số tên tuổi đáng chú ý như: D2D (Đô thị Công nghiệp số 2), NDN (Nhà Đà Nẵng), TIP (Tín Nghĩa), SID (Sài Gòn Co.op), MH3 (Công nghiệp Cao su Bình Long), NTL (Đô thị Nam Từ Liêm), C21 (Thế kỷ 21).

JLB Team