Thị trường căn hộ tại TP Thủ Đức chứng kiến đà tăng giá mạnh do nguồn cung khan hiếm, hạ tầng quy hoạch ngày càng đồng bộ...
Trong bối cảnh nguồn cung toàn thị trường khan hiếm, TP Thủ Đức được đánh giá là khu vực có lượng giao dịch sôi động hàng đầu thị trường với lượng căn hộ bán ra chiếm 95% nguồn cung mới toàn TP HCM và sức tiêu thụ đạt 75%, theo báo cáo mới đây của DKRA.
Sức hút và tiềm năng của địa bàn được ví như "cửa ngõ TP HCM" là tất yếu, đặc biệt khi gần đây, các hoạt động liên quan tới hạ tầng đã tạo ra những cơn sóng ngầm trong giới đầu tư. Cụ thể, đường vành đai 3 (gói Tân Vạn - Nhơn Trạch), đoạn trung chuyển quan trọng, mắt xích kết nối giữa TP HCM - Đồng Nai - Bình Dương, chạy xuyên tâm TP Thủ Đức sẽ khởi công đoạn 1A trong quý 1/2022.
Hạ tầng TP Thủ Đức được đầu tư mạnh để thay đổi diện mạo.
Trước đó, loạt dự án trọng điểm tỷ USD được tăng cường đầu tư gồm Vành đai 4, cao tốc Bến Lức - Long An, metro Bến Thành - Suối Tiên - Biên Hoà, Sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành đều chạy qua TP Thủ Đức. Các tuyến đường liên vùng quan trọng cũng được nâng cấp như hầm Thủ Thiêm, cầu Sài Gòn 2, đại lộ Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Xa lộ Hà Nội... Thông tin thành phố trẻ dự kiến được đầu tư thêm khoảng 300.000 tỷ đồng để thay đổi diện mạo hạ tầng cũng "tiếp sức" mạnh mẽ cho bất động sản khu vực.
Cùng với việc đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng, TP Thủ Đức vẫn là một trong những điểm đến hấp dẫn dòng vốn FDI, với sự xuất hiện của: Microsoft, Intel, Quantus Corporation (Mỹ), Allied Telesis (Nhật Bản) hay Samsung (Hàn Quốc)... Mới đây, liên doanh Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) và Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) cũng đã "rót" vào khu Thủ Thiêm 2,2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Thủ Đức cũng hội tụ chuỗi hạ tầng tạo sức bền cho đời sống kinh tế, xã hội khu vực như Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Fulbright. Trong tương lai tới 2025, thành phố trẻ hứa hẹn thu hút nhiều trường đại học quốc tế danh tiếng đến thiết lập cơ sở, hướng tới một đô thị đại học.
Tại Thủ Đức, Bến xe Miền Đông, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Hoàn Mỹ... được quy hoạch hiện đại, tạo bệ phóng vững chãi để thành phố này hình thành đô thị thông minh sáng tạo.
Dư địa của thị trường bất động sản
Chia sẻ với báo giới, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, các điểm nóng bất động sản mới tại TP HCM đều là những nơi phát triển về hạ tầng giao thông. Trong đó, Thủ Đức hội đủ nhiều điều kiện để bứt phá nhanh chóng trong chu kỳ 5-10 năm tới.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, các dự án hạ tầng và quy hoạch thành phố Thủ Đức đang được thực hiện tốt, là yếu tố thúc đẩy sự phát triển tại đây, tạo điều kiện kết nối đa phương thức giữa Thủ Đức và các khu vực khác trong TP HCM.
Đáng chú ý là tuyến Metro số 1 với tổng chiều dài 19,7 km bắt đầu từ trạm Bến Thành tại Quận 1 đến trạm cuối - Depot Long Bình tại Quận 9, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021 và dự án cầu Thủ Thiêm 2... Cùng với đó, hai trung tâm công nghệ cao và công nghệ sinh thái tập trung tại khu vực Quận 9. Chuyên gia nước ngoài và các cấp quản lý đang làm việc tại đây hứa hẹn là nguồn cầu tiềm năng cho các sản phẩm bất động sản.
Một dự án đang được mở bán tại TP Thủ Đức.
Với động lực lớn đó, giá nhà đất tại khu vực này có bước nhảy vọt với trước đây và sẽ duy trì đà tăng trong tương lai. Nghiên cứu của các đơn vị tư vấn như CBRE, Savills Việt Nam đều khẳng định điều này.
Đại diện HoREA cũng đánh giá, TP Thủ Đức sẽ tiếp tục trở thành tâm điểm phát triển, là điểm nóng của thị trường bất động sản tại TP HCM. Đây là lý do các nhà đầu tư vẫn kiên định đổ về chờ đợi cơ hội kiếm lời, bất chấp giá cả vẫn biến động từng ngày.
JLB tổng hợp