Ngành du lịch bắt đầu “rã đông” - hiệu ứng thị trường hồi phục

12-11-2021

Ngân hàng HSBC vừa phát hành báo cáo “Vietnam At A Glance tháng 11.2021 - Ngành du lịch bắt đầu “rã đông”” với nhận định mặc dù kế hoạch mở cửa lại của Việt Nam không thực sự tham vọng như các quốc gia láng giềng trong khu vực, du khách tiêm phòng đầy đủ rất ủng hộ quyết định mở lại 5 điểm đến du lịch mà không yêu cầu cách ly trong tháng 11.

Việt Nam đang đạt được nhiều tiến triển để chuẩn bị đón khách du lịch trở lại.

Bước đầu mở cửa của Việt Nam dù còn khá dè dặt và thận trọng cũng đem lại tác động không nhỏ lên nền kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động đang lao đao và thặng dư tài khoản vãng lai đang bị thu hẹp.

Theo HSBC, phục hồi ngành du lịch thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Thứ nhất, tỷ lệ tiêm phòng toàn quốc còn thấp và tình hình COVID-19 vẫn còn tiếp diễn có thể tạo ra tâm lý e ngại. Sự thiếu vắng khách du lịch Trung Quốc, từng chiếm 1/3 tổng lượt khách đến Việt Nam, cũng cho thấy khả năng tăng trưởng trong tương lai gần có thể không xảy ra. Cuối cùng, về triển khai thực tiễn, cần thêm nhiều nỗ lực để nối lại các chuyến bay quốc tế.

Điều đáng khích lệ là Việt Nam đang đạt được nhiều tiến triển để chuẩn bị đón khách du lịch trở lại, theo HSBC.

Phục hồi chậm chạp

HSBC nhắc lại những tháng ngày tươi sáng trước đại dịch khi đi lại còn dễ dàng khi chỉ cần nhảy lên một chuyến bay và không phải lo về cách ly, ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng vượt bậc trong nhiều năm gần đây nhờ nỗ lực cởi mở trong chính sách cấp thị thực của chính phủ.

Lượng khách du lịch tới Việt Nam đã tăng kỷ lục lên đến trên 18 triệu lượt vào năm 2019, mang đến nguồn thu 33 tỷ USD, tương đương 12,5% GDP.

Gần 80% khách du lịch đến từ châu Á, trong đó hai thị trường lớn là Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 56%. Cụ thể, chỉ riêng khách Trung Quốc đã chiếm tỷ lệ lớn nhất tương đương với 1/3 tổng lượt khách đến Việt Nam, tương đương với Thái Lan và vượt xa các quốc gia láng giềng trong khu vực vốn chỉ ở mức 15-20%.

Là ngành “đứng mũi chịu sào” trong đại dịch COVID-19, hoạt động du lịch đã gần như dừng hẳn. Việt Nam chỉ đón 3,8 triệu lượt khách vào năm 2020 và tổng lượng khách đến thời điểm hiện tại của năm 2021 còn chưa bằng 1% của năm 2019.Nguồn: CEIC, HSBC; NB: số lượt khách tính đến thời điểm hiện tại năm 2021: Philippines tính đến tháng 5, Malaysia tính đến tháng 6, Indonesia tính đến tháng 8, Thái Lan, Singapore và Việt Nam tính đến tháng 9.

Do thiếu vắng sự hiện diện của khách quốc tế nên các dịch vụ liên quan, đặc biệt là lưu trú, vận tải và ăn uống, đã không thể phục hồi đúng nghĩa. Du lịch nội địa đã gồng gánh ít nhiều trong những giai đoạn Việt Nam kiểm soát tốt tình hình lây lan của dịch bệnh nhưng rồi cũng chịu cảnh gián đoạn đột ngột khi đợt bùng dịch chủng Delta xuất hiện cuối quý 2. Dịch vụ lưu trú và ăn uống trong quý 3 sụt giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy ảnh hưởng nghiêm trọng của các đợt giãn cách kéo dài.

Không quá ngạc nhiên khi thị trường lao động trở nên lao đao. Khoảng 10% lực lượng lao động của Việt Nam tập trung trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú, vận tải và giải trí, đây là đều là những ngành liên quan mật thiết đến du lịch.

Theo HSBC, số liệu này thực tế chưa phản ánh hết bức tranh hiện thực vì có những hoạt động không được thống kê chính thống lại chiếm phần lớn tỷ trọng trên thị trường lao động của Việt Nam, trong đó phần nhiều là dịch vụ liên quan tới du lịch. Khi ngành du lịch rơi vào tình trạng ngưng trệ, khoảng 60% người lao động bị mất việc làm trong năm 2020, 90% đã nghỉ việc tính đến tháng 5.2021.

Mặc dù chưa có số liệu thống kê chi tiết tác động lên ngành du lịch, dữ liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy trên 2 triệu người lao động trong ngành dịch vụ rơi vào cảnh thất nghiệp trong quý 3, thu nhập bị giảm 15% so với quý trước.

Từ tháng 3.2020, Việt Nam đã đóng cửa phần lớn biên giới, chỉ xem xét nhập cảnh cho công dân Việt Nam hồi hương, người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, nhà đầu tư nước ngoài và chuyên gia kèm yêu cầu cách ly cụ thể. Từ quý 3, Việt Nam đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế ở biên giới khi số ca mắc mới trong ngày trở nên ổn định, nhưng vẫn còn khá thận trọng nên chưa mở cửa ồ ạt.

Từ tháng 8, Việt Nam đã giảm một nửa yêu cầu về thời hạn cách ly tập trung từ 14 xuống còn 7 ngày đối với người nhập cảnh đã tiêm phòng đầy đủ.

Tuy nhiên, Việt Nam đã không đi theo lộ trình của Thái Lan là mở cửa toàn bộ đất nước với 63 quốc gia có nguy cơ thấp từ 1.11. Trái lại, Việt Nam sẽ chỉ mở cửa 5 địa điểm thu hút du lịch là đảo Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Nam (nơi có phố cổ Hội An), Khánh Hòa (có thành phố biển Nha Trang) và Quảng Ninh (có Vịnh Hạ Long) từ tháng 11. Đây là một phần trong kế hoạch hồi sinh ngành du lịch. Trong đó, đảo Phú Quốc được chọn làm nơi thí điểm mở cửa từ 20.11 đón du khách đã tiêm phòng đầy đủ thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến (charter flight).

Trong giai đoạn 2, du khách sẽ được tự do đi lại tại 5 địa phương này từ tháng 1.2022, nghĩa là giai đoạn 1 sẽ chỉ mở cửa phục vụ trong phạm vi, địa điểm hạn chế. Giai đoạn cuối cùng sẽ là mở cửa toàn bộ du lịch tuy nhiên các cơ quan chức năng đã bác bỏ thông tin về thời điểm mở cửa hoàn toàn từ tháng 6.2022 với lý do cần thận trọng theo dõi tiến độ tiêm vắc-xin cũng như đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh.

Mặc dù Việt Nam đang từng bước tiến tới mục tiêu mở cửa trở lại cho thấy dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên, nhiều tình huống khó lường thường xảy ra trong giai đoạn dịch bệnh và để hồi sinh thành công ngành du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, theo HSBC.

HSBC cho rằng, yếu tố đầu tiên cần cân nhắc là những yêu cầu về nhập cảnh. Điều này đồng nghĩa không chỉ cần xem xét nới lỏng hạn chế biên giới ở phía Việt Nam mà những kiểm soát biên giới của các quốc gia khác cũng quan trọng không kém. Ví dụ, việc thiếu vắng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam cho thấy kỳ vọng tăng trưởng ngắn hạn sẽ còn hạn chế vì Trung Quốc đại lục vẫn siết chặt các biện pháp kiểm soát biên giới với yêu cầu cách ly 14 ngày tại khách sạn, cộng thêm một số ngày tự cách ly/theo dõi sức khỏe tại nhà tùy từng địa phương.

Bên cạnh lây nhiễm gia tăng, HSBC cho rằng, tỷ lệ tiêm phòng của Việt Nam còn thấp cũng là một vấn đề. Việt Nam mới chỉ đạt tỷ lệ phủ vắc-xin toàn quốc là 22%, còn khá chậm so với các nước láng giềng trong khu vực. Thực tế, Việt Nam đã tăng tốc tiến độ tiêm phòng từ quý 3, ưu tiên các điểm đến du lịch và cụm công nghiệp. Toàn bộ các điểm đến du lịch, ngoại trừ Quảng Nam và Đà Nẵng, đều đã tiêm phòng cho ít nhất 80% người dân. Dù vậy, HSBC cho rằng, Việt Nam cần tính toán kỹ phương án hỗ trợ đi lại giữa các địa phương này cũng như trên cả nước trong khi vẫn phải hạn chế rủi ro tiềm tàng do virus.

Ngoài ra, HSBC cũng khuyến nghị Việt Nam cũng cần nỗ lực nối lại các chuyến bay quốc tế để thúc đẩy du lịch. Kể từ đầu mùa dịch, nhiều chuyến bay đã bị hủy và ngay cả khi các quy định giãn cách gần đây cũng dần được gỡ bỏ thì ngành hàng không vẫn phải mất một thời gian nữa mới lấy lại phong độ như thời trước đại dịch. Mặc dù vậy, trong cái rủi vẫn có cái may đó là Việt Nam đã nhanh chóng chấp nhận “giấy chứng nhận vắc-xin” của 72 nước và phát triển đường bay mới để thu hút nguồn khách du lịch mới. Từ tháng 11, Vietnam Airlines bắt đầu khai thác đường bay thẳng thương mại thường lệ đến Mỹ, trong khi Bamboo Airways sẽ đưa vào khai thác các chuyến bay thẳng tới Anh từ tháng 1.2022. Bộ Giao thông Vận tải cũng đang lên kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế.

Sẵn sàng cho bình thường mới?

Sau bốn tháng giãn cách tại địa phương được coi là đầu mối giao thương, cuối cùng thì Việt Nam cũng quyết định mở cửa lại nền kinh tế từ 1.10. Khả năng đi lại của người dân tăng lên đáng kể từ 66% lên 33% dưới mức trước đại dịch vào cuối tháng 10, tạo điều kiện phục hồi nhu cầu trong nước.

Mặc dù chỉ số bán lẻ giảm 28% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân chủ yếu là do kết quả năm ngoái khá cao. Biểu đồ dưới đây cho thấy chỉ số bán lẻ bằng 88% so với tháng 1.2019, một bước tiến lớn từ mức 74% trong tháng 9. Tuy nhiên, sự phục hồi chủ yếu diễn ra trong mảng mua bán hàng hóa do ngành dịch vụ vẫn còn bị giới hạn như hạn chế ăn uống tại chỗ, giải trí và du lịch.

 

Mặc dù áp lực giá không còn, một vấn đề cần quan tâm theo dõi là giá nhiên liệu tăng. Cụ thể, chi phí vận chuyển tăng nhanh chóng 2,5% so với tháng trước, đóng vai trò nhân tố chính tạo ra lạm phát.Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 đã giảm 0,2% so với tháng trước, dẫn tới chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một chỉ số đáng ngạc nhiên với thị trường, theo HSBC, (HSBC dự báo 2,2%; BBG dự báo 2,5%) với nguồn gốc sâu xa chủ yếu do áp lực giá dao động theo nhu cầu đã giảm xuống, cũng là một dấu hiệu cho thấy tình hình phục hồi kinh tế chậm chạp.

Mặc dù vậy, HSBC vẫn tin tưởng rằng nhu cầu trong nước dần phục hồi dù chậm vẫn có khả năng bù lại cho giá nhiên liệu tăng cao, đồng thời, HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ chỉ tăng lên 2,1% trong năm 2021. Khi nền kinh tế trở lại bình thường, nhu cầu trong nước nhiều khả năng sẽ đẩy lạm phát lên 3,5% trong năm 2022.

JLB Team