Ngày 10/1, Chủ tịch Tân Hoàng Minh xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 2,45 tỷ đồng một m2 ở Thủ Thiêm.
Chiều tối ngày 11/1, đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, Chủ tịch hội đồng thành viên công ty, ông Đỗ Anh Dũng, đã có tâm thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm.
Trung tâm Dịch vụ Đấu giá tài sản TP HCM cho biết đến cuối ngày 11/1 chưa nhận được văn bản chính thức nào về việc huỷ hợp đồng từ phía Tân Hoàng Minh.
Trong tâm thư, ông Dũng bày tỏ chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng. Hành động này theo ông Dũng nhằm đảm bảo một phần sự ổn định thị trường kinh doanh bất động sản. Bởi ông thừa nhận kết quả đấu giá hơn 2,4 tỷ đồng một m2 đất có thể dẫn đến những hệ luỵ không tốt cho thị trường. Đặc biệt là sau khi doanh nghiệp tiếp thu ý kiến, nhận định "đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng một m2 là bất thường" của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc hôm 4/1.
"Chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc đấu giá đất với kết quả nêu trên sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng", ông Dũng viết trong tâm thư.
Lô đất 3-12 ở Thủ Thiêm được Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tân Hoàng Minh) trúng thầu ngày 10/12/2021 với giá 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần giá chào, đưa đơn giá mỗi m2 lô đất này lên ngưỡng 2,43 tỷ đồng một m2. Đây cũng là mức giá đất cao nhất TP HCM và lập đỉnh tại thị trường Việt Nam.
Trước đó, ông Dũng đã chia sẻ bản thân bất ngờ về mức giá mà mình quyết định bỏ ra để trúng thầu. Theo ông kể lại, thời điểm đó, có nhiều nhà đầu tư tham gia trả giá cao đến 20.000 tỷ đồng rồi bỏ cuộc, chỉ còn một nhà đầu tư ngoại. Ông kể, lo ngại mảnh đất đẹp nhất Thủ Thiêm về tay người nước ngoài, vì "trào lên lòng tự hào dân tộc", nên quyết định trả giá cao hơn 3%, tương đương 700 tỷ đồng, để giành quyền trúng thầu.
Ông Đỗ Anh Dũng đứng lên trả giá lô đất Thủ Thiêm tại phiên đấu giá hôm 10/12 ở TP HCM. Ảnh: Tất Đạt
Thực tế trong phiên đấu giá ngày 10/12/2021, lô đất 3-12 có sự cạnh tranh khá căng thẳng khi mất đến 70 lượt trả giá mới tìm được nhà đầu tư thắng cuộc. Từ mốc khoảng trên 20.000 tỷ đồng, chỉ còn lại hai doanh nghiệp tham gia là Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Capital One Financial. Càng về cuối, cuộc rượt đuổi của hai doanh nghiệp này ngày càng gay cấn.
Ngay khi đại diện CapitalLand One Financial trả giá, ông Dũng gần như lập tức đưa ra con số cao hơn và ngược lại. Mỗi lần trả giá của hai doanh nghiệp này cách nhau vài trăm tỷ đồng. Đến lượt trả giá thứ 69, đại diện CapitalLand One Financial đưa ra mức 23.800 tỷ đồng. Chưa kịp đợi đấu giá viên thông báo "23.800 tỷ đồng lần thứ nhất", ông Dũng lập tức kêu giá 24.500 tỷ đồng, giúp Công ty Ngôi Sao Việt trở thành doanh nghiệp thắng cuộc.
Đặt cọc 588,4 tỷ đồng, Tân Hoàng Minh ký hợp đồng mua bán 7 ngày sau phiên đấu giá. Doanh nghiệp sau đó đã có những điều chỉnh, cân đối tài chính để đảm bảo đóng tiền theo đúng tiến độ, quy định cũng như lên phương án thiết kế, đầu tư, kinh doanh.
Ông Đỗ Anh Dũng cho rằng bản thân luôn cố gắng để đóng góp phát triển kinh tế cho đất nước "với tôn chỉ thượng tôn pháp luật". Việc tham gia đấu giá lần này cũng có một phần mong muốn tăng thêm nguồn thu cho ngân sách TP HCM sau Covid-19 và xây dựng một công trình điểm nhấn, góp phần cải thiện bộ mặt kiến trúc đô thị của bán đảo Thủ Thiêm.
Theo Luật Đấu giá tài sản, hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá có sự thỏa thuận giữa các bên sẽ dẫn đến hủy kết quả đấu giá. Trong trường hợp này là thỏa thuận giữa Công ty Ngôi Sao Việt và Trung tâm quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM) và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp TP HCM). Sau khi hủy kết quả, nếu các bên có lỗi gây thiệt hại sẽ phải bồi thường theo quy định.
Vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, Công ty Ngôi Sao Việt có thể phải mất khoản tiền đặt trước là gần 588,5 tỷ đồng - bằng 20% mức giá khởi điểm của lô đất 3-12 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo khoản 5 Điều 27 Nghị định 62/2015, khoản tiền đặt trước này sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản, sẽ thuộc về ngân sách nhà nước.
Tháng 6/2015, Tân Hoàng Minh từng trúng thầu khu đất vàng 3.000 m2 tại số 23 Lê Duẩn, quận 1, TP HCM với mức giá cao nhất 1.430 tỷ đồng rồi sau đó đề nghị huỷ kết quả vì cho rằng đơn vị tổ chức có sai phạm về bước giá. Nhưng đến 6/2016, doanh nghiệp lại đề nghị được tiếp tục mua lô đất trên. Do quá thời gian quy định, ngoài số tiền trúng đấu giá, Tân Hoàng Minh phải nộp thêm hơn 260 tỷ đồng tiền phạt. Sau khi nhận đất tháng hồi 5/2017, doanh nghiệp dự kiến khởi công xây dựng trong quý III của năm nhưng cuối cùng lại không thực hiện. Đến năm 2019, mảnh đất này đã được chuyển nhượng cho Techcombank.
Cuối tháng 12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu rà soát các bất thường trong những phiên đấu giá đất gần đây và giao Ngân hàng Nhà nước giám sát các nhà băng cho các nhà đầu tư vay tiền đấu giá đất.
Về quyền sử dụng lô đất 3-12 nếu Tân Hoàng Minh bỏ cọc, theo Điều 73 Luật Đấu giá tài sản, các bên sẽ khôi phục lại tình trạng ban đầu. Như vậy, quyền sử dụng lô đất sẽ được trao trả về Trung tâm Quỹ đất TP HCM. Doanh nghiệp trả giá cao thứ hai - Công ty Capital One Financial - cũng không được xem là đơn vị trúng giá. Theo Điều 51 luật này, Capital One Financial chỉ được công nhận trúng giá nếu ông Đỗ Anh Dũng từ chối kết quả ngay tại buổi đấu giá, sau khi đấu giá viên công bố Công ty Ngôi Sao Việt thắng cuộc. Ngoài ra, giá của Capital One Financial trả trong lần thứ 69 cộng với khoản tiền đặt trước là 24.388,5 tỷ đồng - vẫn chưa bằng giá đã trả của Tân Hoàng Minh, chưa khớp quy định. Chưa kể, luật còn nêu rõ người trả giá liền kề phải chấp nhận mua tài sản đấu giá thì mới được xét "tiếp quản" lô đất 3-12
JLB tổng hợp/theo vnexpress