Nhiều ngân hàng cho vay để trả nợ ở ngân hàng khác với lãi suất chỉ từ 6%/năm

11-09-2023

Thêm ngân hàng cho khách vay tiền để trả nợ ở ngân hàng khác, lãi suất chỉ từ 6%/năm; Bỏ quy định bắt buộc giao dịch Bất động sản qua sàn, môi giới “hết việc"; Doanh nghiệp “không muốn vay”, hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền"; Khi nào thanh khoản Bất động sản nhà ở quay trở lại... là những thông tin nóng trong tuần qua.

Thêm ngân hàng cho khách vay tiền để trả nợ ở ngân hàng khác, lãi suất chỉ từ 6%/năm

Thực hiện theo thông tư 06/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ 01/9/2023, Ngân hàng BIDV chính thức triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất chỉ từ 6%/năm. Khách hàng đang vay vốn sản xuất kinh doanh hoặc phục vụ nhu cầu đời sống có tài sản bảo đảm là bất động sản tại các ngân hàng khác, có nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn đồng thời tiếp tục thanh toán các chi phí còn lại theo phương án vay có thể đến ngay các Chi nhánh BIDV trên toàn quốc để vay vốn nhanh chóng, dễ dàng với nhiều ưu đãi hấp dẫn bậc nhất thị trường.

Đối với khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng: Lãi suất chỉ từ 6%/năm hoặc chỉ từ 6,8%/năm đối với các khoản vay trung dài hạn từ 12 tháng trở lên. BIDV cam kết mức cho vay lên tới 100% dư nợ gốc còn lại và phù hợp chi phí thanh toán tiếp theo của phương án vay đối với khoản vay tại ngân hàng khác.

Cho khách hàng vay vốn lãi suất chỉ từ 6,9%/năm để trả nợ khoản nợ tại ngân hàng khác

Vietcombank là ngân hàng đầu tiên triển khai chính sách cho khách hàng cá nhân vay vốn để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với lãi suất cho vay chỉ từ 6,9%/năm. Chính sách này được thực hiện ngay khi Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1/9/2023. Khách hàng được vay vốn lên đến 30 năm (nhưng không vượt quá thời hạn vay còn lại của khoản vay tại ngân hàng đang vay) với số tiền vay tối đa 100% số tiền dư nợ gốc của khoản vay tại ngân hàng đang vay. Khách hàng được ân hạn trả nợ gốc tối đa lên đến 24 tháng và phù hợp với quy định của Vietcombank.

Ở thời điểm hiện tại, Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu, hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu, hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Vietcombank sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay theo tình hình thực tế. Khách hàng được sử dụng đa dạng các loại tài sản để bảo đảm cho khoản vay, như: Bất động sản, tiền mặt, số dư trên tài khoản tiền gửi, sổ/thẻ tiết kiệm, giấy tờ có giá… của khách hàng, hoặc người có quan hệ huyết thống (bố/mẹ/con đẻ), hoặc người có quan hệ vợ/chồng với khách hàng, hoặc tài sản của chính khách hàng tại tổ chức tín dụng đang vay.

Khi nào thanh khoản bất động sản nhà ở quay trở lại?

Trong đó phân khúc căn hộ, nguồn cung mới trong tháng 8/2023 ghi nhận sụt giảm còn 253 căn, chỉ bằng 19% so với cùng kỳ năm trước. TP.HCM và Đồng Nai dẫn đầu, chiếm 55% tổng nguồn cung mới trong tháng. Lượng sản phẩm tiêu thụ mới chỉ đạt 84 căn, giảm 87% so với cùng kỳ. Các chính sách chiết khấu thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán, quà tặng mở bán,… tiếp tục được phần lớn chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường.

Theo khảo sát của đơn vị này, sức cầu thị trường thứ cấp có những tín hiệu khởi sắc so với tháng trước, động thái giảm lãi suất cho vay khiến người mua tự tin hơn trong quyết định mở khoản vay mua bất động sản. Mặt bằng giá bán trên thị trường sơ cấp không có nhiều biến động, trong khi đó trên thị trường thứ cấp, một số giao dịch vẫn ghi nhận mức giảm 50 - 150 triệu đồng/căn, tập trung ở những dự án chậm tiến độ bàn giao, hết thời gian ân hạn gốc/lãi vay.

Bỏ quy định bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn, môi giới “hết việc"?

Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi) quy định chỉ khuyến khích mà không bắt buộc giao dịch Bất động sản phải thông qua sàn giao dịch Bất động sản sẽ không làm cho sàn giao dịch Bất động sản bị mất việc làm hoặc nhân viên môi giới bị thất nghiệp. Theo HoREA, sàn giao dịch bất động sản là một bộ phận hữu cơ, rất quan trọng, rất cần thiết của thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, là tổ chức trung gian kết nối cung - cầu, kết nối giữa chủ đầu tư, chủ sở hữu bất động sản với khách hàng, người mua nhà.

Hiệp hội cho rằng, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định chỉ khuyến khích mà không bắt buộc giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản sẽ không làm cho sàn giao dịch bất động sản bị mất việc làm hoặc nhân viên môi giới bị thất nghiệp. Bởi lẽ, trong 8 năm thực hiện Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định không bắt buộc giao dịch bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản đã không hề làm cản trở hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản. Hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản chỉ gặp khó khăn từ năm 2020 đến nay là do tác động của đại dịch Covid-19 và do thị trường bất động sản đang rất khó khăn trong 3 năm gần đây.

Yêu cầu kinh phí lên tới 8.100 tỉ đồng, tuyến Vành đai 4 qua Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ có quy mô ra sao?

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, dự án đường Vành đai 4 đoạn qua địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chiều dài khoảng 18.17km, điểm đầu tuyến tại ngã tư Tóc Tiên – Châu Pha; điểm cuối trên địa bàn huyện Châu Đức giáp ranh với tỉnh Đồng Nai.

Có 2 phương án về quy mô triển khai đoạn tuyến này, bao gồm: Phương án thứ nhất triển khai cắt ngang 27m với 4 làn cao tốc (3,75m/làn) có tốc độ lưu thông tối đa 100km/h, cùng 2 làn dừng khẩn cấp (3m/làn), phần phân cách giữa rộng 3m, dải an toàn và lề đất mỗi bên rộng 1,5m, với tổng mức đầu tư khoảng 8.100 tỉ đồng. Phương án thứ hai triển khai mặt cắt ngang 22m với 4 làn cao tốc (3,5m/làn) có tốc độ lưu thông tối đa 80km/h, cùng 2 làn dừng khẩn cấp (2,5m/làn), phần phân cách giữa rộng 0,5m, dải an toàn mỗi bên rộng 0,75m, với tổng mức đầu tư khoảng 7.840 tỉ đồng.

Qua xem xét, UBND tỉnh đã thống nhất chọn phương án có mặt cắt ngang 27m với tổng kinh phí 8.100 tỉ đồng để đề xuất, báo cáo Bộ GTVT và Sở GTVT TPHCM để tổng hợp, có ý kiến thống nhất phương án và sớm có hướng dẫn để đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ.

Doanh nghiệp “không muốn vay”, hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền"

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng, chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ. Ông ví von, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải “chữa bệnh thừa tiền”. Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, thì các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền. Dù Ngân hàng Nhà nước cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị nhằm đẩy kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên toàn quốc, để lắng rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng.

Bên cạnh đó, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, các mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo, thủy sản, cafe); ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất; giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh công tác truyền thông… nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, “không muốn vay”.

JLB Holdings tổng hợp