Suốt thời gian qua, “cơn khát” vốn đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thậm chí phá sản. Việc điều chỉnh room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là thông tin được mong chờ nhất lúc này đối với cộng đồng doanh nghiệp.
“Liều thuốc” kịp thời để phục hồi nền kinh tế
“Chúng tôi sắp được cứu rồi” - bà Nguyễn Tuyết Mai, chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ uống đóng chai tại Hà Nội, hào hứng chia sẻ khi chuyến xe nguyên liệu đầu tiên về đến nhà máy sau hơn 3 tháng gián đoạn.
Suốt từ tháng 6, bà Mai phải tìm mọi mối quan hệ để vay vốn nhập nguyên liệu sản xuất hàng Tết, nhưng gõ cửa ngân hàng nào cũng bị lắc đầu vì “hết room tín dụng”. Vay nóng thì lãi suất quá cao, lợi nhuận chẳng còn được bao nhiêu. Toàn bộ kế hoạch sản xuất có nguy cơ đổ bể.
“Ngành hàng thực phẩm cả năm chỉ trông chờ vào vụ Tết nên việc các ngân hàng cho vay trở lại, với chúng tôi, chẳng khác gì nắng hạn gặp mưa rào. Doanh nghiệp mừng, nhà cung cấp mừng, người lao động cũng mừng”, bà Mai cho biết.
Suốt thời gian qua, “cơn khát” vốn đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thậm chí phá sản.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, nhìn nhận nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay rất lớn. Doanh nghiệp cần vốn nhiều để nhập nguyên liệu, trang trải hoạt động của bộ máy và trả lương cho người lao động. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng cần vốn để xây dựng thương hiệu, tham gia hội chợ, giao thương nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường nội địa, xa hơn là hướng tới xuất khẩu.
“Việc các ngân hàng thương mại được tăng cung tín dụng và áp dụng lãi suất cho vay hợp lý chính là liều thuốc kích thích để doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm, đồng thời đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội”, ông Mạc Quốc Anh bình luận.
Bản thân ngân hàng cũng “thở phào” khi hoạt động kinh doanh cốt lõi trở lại guồng quay cũ. Phó Tổng giám đốc VPBank Lưu Thị Thảo cho biết thời gian qua cạn room tín dụng là “nỗi đau đầu” của rất nhiều ngân hàng trong hệ thống.
Quyết định nới room tín dụng không chỉ cởi trói cho các ngân hàng mà còn giúp nguồn vốn được khơi thông.
Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối thiểu 14%, trong 4 tháng cuối năm, sẽ có khoảng 457.000 tỉ đồng được phân bổ về cho các ngân hàng thương mại. Đây chính là dư địa để các ngân hàng đưa ra các giải pháp tín dụng hiệu quả, giúp doanh nghiệp đến gần hơn với vốn vay.
“Lãi cho vay hiện vẫn là nguồn thu chính của các nhà băng với tỉ trọng đóng góp 70 - 80%. Bởi thế, quyết định nới room không chỉ cởi trói cho các ngân hàng mà còn giúp nguồn vốn được khơi thông, từ đó sẽ hạn chế được tình trạng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp giúp dòng chảy kinh tế sớm sôi động trở lại”, đại diện một ngân hàng đánh giá.
“Cú đạp phanh” đúng lúc
Các chuyên gia cho rằng đây là quyết định đúng đắn và kịp thời, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không siết tín dụng bất hợp lý.
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đánh giá không siết tín dụng là một quyết định sáng của nhà điều hành. Theo vị chuyên gia, trước nguy cơ lạm phát chi phí đẩy nghiêm trọng do giá đầu vào tăng cao, nếu nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ làm lạm phát chi phí đẩy bị khuếch đại lên; ngược lại, nếu siết chặt sẽ làm cung giảm, đồng nghĩa giá sẽ tăng.
“Duy trì sự ổn định của chính sách tiền tệ là hành xử phù hợp nhất của cơ quan điều hành trong giai đoạn này”, ông Nghĩa phân tích.
Cũng theo các chuyên gia, việc điều hành tín dụng trên quan điểm cởi mở của Ngân hàng Nhà nước còn cho thấy sự cầu thị và biết lắng nghe phản hồi từ thị trường. Quyết định nới room chắc chắn đã được đưa ra từ những đánh giá toàn diện và thận trọng về lợi ích với cả nền kinh tế. Đây cũng là quan điểm tích cực cần được tiếp tục duy trì để đảm bảo sự thông suốt của dòng vốn tín dụng, cũng là huyết mạch của nền kinh tế.
Về lâu dài, các chuyên gia có chung quan điểm cần thay thế room tín dụng bằng các công cụ quản lý linh hoạt hơn bởi cơ chế này mang dáng dấp quản lý kiểu bao cấp, không còn phù hợp bối cảnh hiện nay. Việc bỏ room tín dụng còn hạn chế tình trạng điều hành “giật cục”, đồng thời giúp hệ thống ngân hàng phát huy tối đa vai trò bệ đỡ tài chính của nền kinh tế.
“Với lộ trình về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước cần bỏ cấp room tín dụng. Việc cấp room chỉ nên được coi là giải pháp tạm thời trong thời gian 1 đến 2 năm nữa”, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhấn mạnh.
JLB Holdings tổng hợp/theo laodong.vn