Lạm phát cao tại Mỹ có ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của Việt Nam?

23-02-2022

 

 

Trong báo cáo vĩ mô vừa phát hành, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, mặc dù lạm phát của Mỹ ở mức cao nhưng chưa tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam hiện tại và ACBS giữ quan điểm lạm phát của Việt Nam sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2022.

Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố số liệu về lạm phát của Mỹ, ghi nhận số liệu lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm qua. Cụ thể, CPI của Mỹ tháng 1 năm 2022 tăng 7,5% so với cùng kỳ 2021 và tăng 0,6% so với tháng trước. Số liệu lạm phát đã gia tăng áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong việc kiểm soát lạm phát và khiến FED nghiêng về xu hướng chuẩn bị tăng lãi suất sớm và nhanh hơn.

Nhiều nhà kinh tế từ một số tổ chức tài chính lớn (Bank of America, BNP Paribas, Deutsche Bank, Goldman Sachs và TD Securities) đều đang dự đoán là FED sẽ có từ 4-7 lần tăng lãi suất trong năm 2022, với tổng mức tăng lãi suất dao động từ 100-200 điểm cơ bản.

Thị trường lo ngại việc Fed tăng lãi suất sớm hơn, nhanh hơn cùng với chương trình Thắt chặt Định lượng (Quantitative Tightening program) sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng và triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong năm 2022.

Về mặt trong nước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam vẫn ghi nhận mức thấp trong tháng 1 năm 2022, tăng 0,19% so với tháng trước và 1,94% so với cùng kỳ năm 2021 ngay cả khi cận kề dịp lễ lớn nhất của nước ta - Tết Nguyên đán.

Vì vậy, mặc dù lạm phát của Mỹ ở mức cao nhưng theo quan điểm của ACBS, nó chưa tác động lớn đến chỉ số CPI của Việt Nam hiện tại và ACBS giữ quan điểm lạm phát của Việt Nam sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2022 nhờ các yếu tố sau:

(1) Nhiều loại hàng hóa đã đạt đỉnh vào năm 2021. Vì vậy, theo các chuyên gia, giá hàng hóa sẽ ổn định trở lại vào năm 2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, vận chuyển dễ dàng và chuỗi cung ứng hàng hóa được vận hành bình thường.

(2) Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đặc biệt giá lương thực sẽ ít biến động hơn do năng suất thịt heo đã phục hồi nhờ dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát và đàn lợn của Việt Nam dần phục hồi và nguồn cung các loại lương thực, thực phẩm khác sẽ không bị gián đoạn do thiếu cung hoặc nhu cầu đột biến tăng mạnh hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc công suất sản xuất thấp.

(3) Giá dầu dự kiến ổn định trong năm 2022 do cung và cầu sẽ ổn định và giá xăng đã tăng gần 32% so với cùng kỳ năm 2021 và dự kiến sẽ ổn định năm 2022. Vì vậy, theo ABCS, giá bán lẻ xăng dầu sẽ ổn định năm 2022 và không ảnh hưởng đến lĩnh vực giao thông vận tải và sẽ không gây áp lực lên CPI trong năm 2022.

(4) Nhìn chung, ACBS kỳ vọng rằng, CPI cho năm 2022 sẽ tăng trong khoảng 3%-3,5% và vẫn nằm trong mục tiêu 4% của Chính phủ.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của ABCS, nền kinh tế Việt Nam khởi động tháng đầu tiên của năm 2022 với các yếu tố cơ bản tương đối tốt. Sau vài tháng chuyển sang chiến lược sống-chung-với-COVID-19, Việt Nam đã cơ bản lấy lại được đà tăng trưởng. Việt Nam đã bắt đầu mở cửa lại các hoạt động kinh tế với hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục, xuất khẩu cũng lấy lại đà tăng trưởng tốt, dòng vòng FDI đổ vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng và ổn định.

Ngoài ra, Chính phủ vừa phê duyệt gói kích thích tài khóa và tiền tệ trong kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa 15 vào ngày 11/1/2022, ước tính khoảng 337 nghìn tỷ đồng (291 nghìn tỷ đồng cho gói hỗ trợ tài khóa và 46 nghìn tỷ đồng cho gói hỗ trợ tiền tệ), để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19, gói hỗ trợ này dự kiến sẽ giúp tốc độ tăng trưởng GDP tăng thêm khoảng 2,9% trong năm 2022, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025.

Với gói hỗ trợ này cùng với những dấu hiệu phục hồi tích cực sau vài tháng triển khai chiến sống-chung-với-COVID-19, ACBS tiếp tục giữ quan điểm rằng nền kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tốt trong những tháng còn lại của năm 2022.

JLB tổng hợp