Theo các chuyên gia, giải ngân các dự án hạ tầng sẽ thúc đẩy bất động sản phát triển, từ đó tạo lực đỡ phục hồi kinh tế.
Tại hội thảo Gói kích thích kinh tế, quy hoạch và cơ hội đầu tư bất động sản năm 2022 tổ chức chiều 23/12, nhiều chuyên gia cho biết trong năm tới, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vào các dự án hạ tầng huyết mạch sẽ tạo ra cú hích tích cực cho thị trường địa ốc.
Theo Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam, tình thế hiện nay kinh tế vĩ mô chưa hoàn toàn bình thường, nền kinh tế vẫn tăng trưởng chậm nên rất cần gói kích thích lớn với tham vọng không chỉ phục hồi mà còn phải bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.
Bất động sản đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế này. Tăng trưởng bất động sản năm 2022 gắn với biến số là khả năng giải ngân đầu tư công, bên cạnh kiểm soát dịch bệnh, tiếp tục phủ vaccine nhanh. Trong đó, giải ngân đầu tư công là chương trình quốc gia lớn, liên quan đến các tuyến giao thông huyết mạch, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường bất động sản. "Tốc độ giải ngân đầu tư công cần phải chuyển biến tích cực hơn nữa mới hỗ trợ tốt cho thị trường bất động sản năm 2022", ông nói.
Ông phân tích, về dài hạn, bất động sản gắn liền với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Cách tiếp cận và phát triển sản phẩm cần được các chủ đầu tư thay đổi tư duy để tiếp cận các đô thị thông minh, có tính lan tỏa cao kết hợp với hỗ trợ kinh tế vùng ở giai đoạn sống chung với Covid-19 hơn là chỉ dừng lại việc xây nhà để bán.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh thừa nhận, trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế năm 2022, cơ chế tháo gỡ những ách tắc trong việc giải ngân đầu tư công đóng vai trò then chốt.
Các vấn đền liên quan đến giải ngân đầu tư công cần được tháo gỡ gồm: chỉ định thầu, phân cấp trung ương, địa phương, phân bổ hợp lý các mô hình đầu tư, giải tỏa ách tắc về nguyên vật liệu, vật tư xây dựng... Nếu đẩy nhanh được việc giải ngân này có thể thúc đẩy các dự án hạ tầng phát triển, cũng tạo nền tảng tốt cho thị trường địa ốc những năm tiếp theo, từ đó giúp hồi phục nền kinh tế.
Theo ông Thành, bên cạnh giải ngân đầu tư công, hiện nay các luật Nhà ở, Đầu tư, Kinh doanh bất động sản... đang lấy ý kiến và được sửa đổi, bổ sung, nhằm giải tỏa các vướng mắc pháp lý cho thị trường địa ốc cũng được xem là một nhân tố giúp vực dậy nền kinh tế.
Ông dự báo năm 2022 quá trình phục hồi kinh tế sẽ diễn ra không đồng đều giữa các lĩnh vực và khu vực. Diễn biến này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của các loại hình bất động sản từ logistics (hậu cần), khu công nghiệp, thương mại đến nhà ở, du lịch nghỉ dưỡng... có đà hồi phục nhanh, chậm khác nhau. Trong đó, bất động sản nghỉ dưỡng có thể hồi phục chậm hơn các kênh khác.
Chuyên gia này cho biết thêm, một cơ sở giúp quá trình phục hồi kinh tế và thị trường bất động sản năm 2022 trở nên tích cực là hệ thống ngân hàng của Việt Nam hiện nay lành mạnh hơn giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 và đều đã có sự chuẩn bị chu đáo cho việc dự phòng rủi ro. Hiện chương trình hỗ trợ kích thích kinh tế chưa chốt con số bao nhiêu, nhưng quy mô lượng tiền bơm vào thị trường sẽ tạo áp lực lạm phát.
Ông Thành cho rằng cần đánh giá rủi ro nền kinh tế năm 2022 ở nhiều khía cạnh từ nợ công, thâm hụt ngân sách, lạm phát đến hạn chế đầu cơ quá mức vào bất động sản và chứng khoán dù vẫn thúc đẩy 2 thị trường này phát triển lành mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia bất động sản Tiến sĩ Sử Ngọc Khương đánh giá, để phục hồi kinh tế và phát triển thị trường địa ốc năm 2022 cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp: giải ngân đầu tư công, bơm tiền vào nền kinh tế thông qua các gói hỗ trợ, kích cầu, kiểm soát dịch bệnh, phủ vaccine nhanh chóng và chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Khương phân tích, năm 2021, bất động sản Việt Nam đang bị lạm phát giá (giá tăng quá nhanh và quá cao). Pháp lý kéo dài, chi phí tài chính tăng, sức nén quá lớn sẽ đẩy giá trị bất động sản đội lên khiến cho tương lai của thị trường trở nên bất định. Lạm phát giá nhà gây khó khăn cho người mua có nhu cầu để ở thực trong thời gian tới. Các phân khúc bình dân có thể bị biến động giá khá mạnh trong năm 2022.
Các nhà đầu tư tổ chức đang đi theo hướng phát triển các dự án đại đô thị ở tỉnh vệ tinh TP HCM khiến tâm điểm thị trường bất động sản dịch chuyển về vùng phụ cận của đô thị lớn, khi đó kết nối hạ tầng đóng vai trò sống còn. Việc giải ngân các dự án đầu tư công chậm trễ là thiệt thòi cho nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản trong việc kết nối vùng từ đô thị đến các thành phố vệ tinh. Để phát triển các dự án đại đô thị này rất cần các dự án hạ tầng huyết mạch để kết nối kinh tế vùng.
JLB tổng hợp