Gấp rút giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

22-08-2023

Thúc giải ngân đầu tư công tạo sự lan toả

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 7 tháng ước đạt 37,85% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (34,47%). Tháng 6 và tháng 7 chính là thời gian giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh nhất, tăng trên 8%, cao hơn gần gấp đôi tốc độ giải ngân bình quân những tháng trước đó.

Các địa phương đang dồn lực thúc giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh các bộ, cơ quan, địa phương có tốc độ giải ngân trên mức bình quân của cả nước, còn nhiều bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Có 40/52 Bộ, cơ quan trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước.

Nền kinh tế đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ ước đạt 3,72%. Điều này khiến mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% vô cùng thách thức. Trong 3 động lực tăng trưởng là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư, thì 2 động lực xuất khẩu và tiêu dùng đang suy yếu, chỉ có thể trông chờ nhiều nhất vào đầu tư.

Các tổ chức trong nước và quốc tế đều cho rằng, đầu tư công sẽ là một động lực then chốt, giúp thúc đẩy tiến trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024; cũng như thúc đẩy ngành xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan khác.

Nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách theo kế hoạch được Quốc hội giao là khoảng hơn 707.000 tỷ đồng, tăng 25% so với kế hoạch năm 2022; cùng với đó là khoảng 147.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Với nguồn lực đầu tư lớn như vậy, đây là động lực rất quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế năm nay. Từ nay đến cuối năm, còn một khối lượng rất lớn trên 60% kế hoạch vốn cần thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra và giải ngân trên 95% kế hoạch Thủ tướng giao.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023. Thủ tướng chỉ đạo, quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng, vướng mắc về đất đai, tài nguyên, nguồn vật liệu xây dựng để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Đáng chú ý, Thủ tướng yêu cầu thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.

Nhiều giải pháp chạy đua về đích

Đến nay tiến độ triển khai các dự án trọng điểm đang được đẩy nhanh. Nhiều dự án trọng điểm đã được khởi công xây dựng, như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đặc biệt là đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh; đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô… Chưa kể, đã có 4 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được khánh thành trong quý II/2023, với chiều dài 312 km…

Hầu hết các địa phương trong cả nước đang rất khẩn trương, quyết liệt triển khai các dự án lớn nhằm tăng sức cầu, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác cho các quý tiếp theo trong năm 2023.

Đến hết ngày 4/8, TP Hồ Chí Minh mới giải ngân được 27,2% vốn đầu tư công của năm 2023. Trong buổi giám sát về đầu tư công xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh TP sẽ tập trung cao độ để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, TP đang rà soát lại toàn bộ vấn đề phân cấp, ủy quyền, đẩy mạnh kỷ cương, kỷ luật đầu tư công. “Chúng tôi không chỉ thúc đẩy giải ngân đầu tư công, mà cả đầu tư ngoài ngân sách. Hà Nội đã điểm danh trên 700 dự án chậm, muộn, có những dự án chậm, muộn 20 năm rồi. Đợt này sẽ phải tập trung xử lý” - Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

TP quán triệt và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Kế hoạch đầu tư công trên tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa phương, các cấp quản lý. “Lãnh đạo các khối, chủ đầu tư cần chủ động, tích cực hơn, gắn tránh nhiệm người đứng đầu vào tiến độ giải ngân - coi đây là tiêu chí đánh giá thi đua hằng quý, cuối năm” - Chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu cách thức giải quyết đặc biệt là 10 ngày giải quyết một lần các khó khăn của doanh nghiệp, cụ thể từng dự án, từng vướng mắc… Trong khi đó, Phú Yên tính đến cả phương án xử lý và thay thế chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân nếu cố tình cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công…

Tại các địa phương, các tổ công tác đặc biệt của địa phương ra đời trên cơ sở Nghị quyết 50 ngày 8/4/2023 của Chính phủ nhằm kịp thời rà soát, đề xuất tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh. Đối với vấn đề vượt thẩm quyền, cấp tỉnh sẽ kiến nghị các bộ ngành Trung ương, Chính phủ. Nhiều địa phương đã thể hiện rõ quyết tâm phát huy hiệu quả tổ công tác đúng tinh thần “nhanh, thuận tiện hơn cách giải quyết thông thường”.

Các tổ chuyên gia gỡ khó lập danh mục các dự án, các hồ sơ cần giải quyết kiến nghị, cập nhật tiến độ thời gian giải quyết gửi thành viên thường trực vào ngày 15 hàng tháng để tổng hợp báo cáo tổ trưởng tổ công tác đặc biệt.

Tổ công tác đặc biệt tiếp nhận và xử lý thông tin thông qua hệ thống truyền thông đa phương tiện: Cổng thông tin điện tử tỉnh; thành viên thường trực và các tổ trưởng tổ chuyên gia gỡ khó; kênh zalo hỗ trợ doanh nghiệp (đã có); số điện thoại, email cá nhân của thành viên thường trực và tổ trưởng tổ chuyên gia gỡ khó được công khai.

JLB Holdings tổng hợp