Kết quả khảo sát trực tuyến với hơn 65.200 người đi làm thuộc 20 ngành nghề ghi nhận chỉ 40% muốn quay lại công sở hoàn toàn, có đến 56% ưu tiên chọn hình thức làm việc kết hợp.
8 trên 10 người đi làm mong muốn làm việc kết hợp (vừa làm việc tại nhà, vừa đến công sở khi cần thiết), sẵn sàng chịu giảm lương để được lựa chọn hình thức này - Ảnh: VŨ THỦY
Đáng chú ý có 4% chọn sẽ nghỉ việc luôn để chuyển sang công việc tự do, và nhờ đó được linh hoạt chọn nơi làm việc.
Đó là kết quả khảo sát trực tuyến do Anphabe thực hiện từ tháng 5 đến tháng 8-2021. Báo cáo khảo sát chỉ ra ba dịch chuyển lớn về xu hướng việc làm trong đại dịch: ưa thích làm việc kết hợp, dịch chuyển từ làm việc toàn thời gian sang làm việc tự do và cơn bão "ồ ạt nghỉ việc".
Về xu hướng làm việc kết hợp, với 56% người được khảo sát ưu tiên chọn hình thức làm việc kết hợp, cứ 10 người lại có 8 người sẵn sàng giảm lương để có được hình thức làm việc này, với mức chấp nhận giảm trung bình là 6,6% thu nhập.
Đồng thời theo khảo sát của Anphabe, xu hướng chuyển dịch từ chỉ làm một công việc toàn thời gian tại một công ty cố định (full-time worker) sang làm việc tự do - chỉ nhận dự án độc lập, freelance, cộng tác viên ngắn hạn, không ký hợp đồng cố định, đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam.
Thống kê chung, hiện nay có tới 53% nguồn nhân lực tri thức đã tham gia vào nền kinh tế chia sẻ (Gig economy - nền kinh tế có sự tham gia đông đảo của lực lượng lao động tự do, làm nhiều việc linh hoạt và được chia sẻ trả phí bởi nhiều khách hàng).
Trong đó, 14% hiện là lao động tự do toàn thời gian, 26% là lao động tự do bán thời gian, 13% vẫn làm song song công việc cố định và bán thời gian bên ngoài như dạy tiếng Anh sau giờ làm, bán hàng online, bán bảo hiểm…
Theo Anphabe, do ảnh hưởng từ COVID-19, số lượng người làm việc tự do toàn thời gian dự kiến chỉ giảm nhẹ khoảng 1% còn 13%, do một số người muốn kiếm việc ổn định hơn.
Nhưng số làm việc tự do bán thời gian sẽ tăng từ 39% lên 44%, nâng tổng số nguồn nhân lực tri thức tại Việt Nam có tham gia vào nền kinh tế chia sẻ lên 57%.
Thực tế cũng ghi nhận nhu cầu sử dụng lao động tự do tại các doanh nghiệp Việt khá lớn, khi 55% người đi làm chia sẻ rằng công ty họ đã hoặc đang hợp tác với nguồn lực mới này theo nhiều hình thức.
Cơn bão "nghỉ việc ồ ạt"
Ngoài ra, theo báo cáo của Anphabe tại sự kiện trực tuyến chiều 22-12, có một nghịch lý đang diễn ra trong nguồn nhân lực: dù tỉ lệ thất nghiệp đang cao (chiếm 2,52% nguồn nhân lực), tỉ lệ nhân viên nghỉ việc rất cao.
Nghịch lý này đang càn quét từ châu Mỹ, châu Âu, châu Á và bây giờ là Việt Nam, với tên gọi chung là The Great Resignation - trào lưu nghỉ việc ồ ạt.
Theo đó, chỉ số gắn kết tình cảm và gắn kết lý trí, hai yếu tố quan trọng tác động tới nỗ lực tự nguyện và cam kết gắn bó của người đi làm, được Anphabe đo lường trên diện rộng đang ở mức thấp nhất trong 6 năm qua.
Tỉ lệ nhân viên mong muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp cũng đang thấp nhất, chỉ 46% nguồn nhân lực.
Lý giải cho hiện tượng này, khảo sát của Anphabe chỉ ra nhiều nhóm nguyên nhân có liên quan trực tiếp tới COVID-19 như biến động ngành nghề, sự mệt mỏi, kiệt sức trong môi trường làm việc căng thẳng và mất cân bằng, hay mất kết nối với đồng nghiệp và mất gắn kết với công ty...
Một nguyên nhân khác tác động mạnh mẽ đến làn sóng nghỉ việc ồ ạt sau khi thị trường dần mở cửa là tình trạng nhân viên "siêu nhảy việc" gia tăng đột biến sau thời gian dài "án binh bất động" do ảnh hưởng của COVID-19.
Anphabe ghi nhận, nguồn nhân lực Việt Nam hiện có 17% thuộc nhóm "siêu nhảy việc" (nhóm nhân viên có xu hướng chuyển việc nhanh gấp 2 lần so với trung bình những nhân sự cùng nhóm tuổi), 19% là thuộc nhóm "siêu trung thành" (nhóm nhân viên có thời gian gắn bó trung bình với công ty lâu gấp 2 lần những người cùng nhóm tuổi khác), còn lại 64% được coi là nhóm "tiêu chuẩn".
Trong suy nghĩ của nhóm "siêu nhảy việc", thời gian lý tưởng để gắn kết với một doanh nghiệp chỉ là khoảng 2 năm, ngắn hơn nhiều so với nhóm "tiêu chuẩn" là 4,5 năm và nhóm "siêu trung thành" là 12 năm.
JLB tổng hợp/theo Vũ Thuỷ