Chính phủ hối thúc giải ngân thêm 230 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công trong hai tháng cuối năm

22-11-2024

   Chỉ còn 2 tháng nữa là hết hạn giải ngân vốn đầu tư công năm nay nhưng tình hình vẫn trì trệ. Theo báo cáo Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 11/2024 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 54,8% kế hoạch, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn đáng kể cùng kỳ...

Để giải ngân vốn đầu tư công bằng được trên 95% kế hoạch Thủ tướng giao, trong hai tháng cần giải ngân thêm tối thiểu 230 nghìn tỷ đồng (tương ứng 35%).

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân ước 11 tháng thấp hơn cùng kỳ năm trước khi mà cùng kỳ năm 2023 đạt 59,4% kế hoạch và đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, ước giải ngân 11 tháng vốn ngân sách trung ương đạt tỷ lệ cao hơn cùng kỳ năm 2023; tuy nhiên vốn ngân sách địa phương giải ngân còn thấp.

Cũng theo Bộ Tài chính, hiện có 18 bộ, cơ quan trung ương và 40 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước, đó là: Đài truyền hình Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (100%), Ngân hàng Nhà nước (84,83%), Văn phòng Trung ương Đảng (93,65%), Đài tiếng nói Việt Nam (81,43%), Bộ Giao thông vận tải (72%); Long An (80,03%), Thái Bình (79,06%), Tiền Giang (77,6%), Ninh Thuận (77,46%), Hòa Bình (77,32%)...

Tuy nhiên, vẫn còn 28 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, đến nay nhiều đơn vị giải ngân 0% là: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước.

 

"Một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân rất thấp như: Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (2,1%), Ủy ban dân tộc (6,87%), Đại học quốc gia Hồ Chí Minh (11,85%), Đại học quốc gia Hà Nội (14,49%)… Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40% như: TP. Hồ Chí Minh (22,52%), Phú Yên (30,78%), Bắc Ninh (34,13%), Kiên Giang (34,31%)..."

Báo cáo của Bộ Tài chính.

 

Đến nay, một số khó khăn vướng mắc liên quan đến thể chế đã được các bộ, ngành tổng hợp trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét sửa đổi các luật tại kỳ họp Quốc hội khóa XV.

Theo Bộ Tài chính, vẫn còn khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chưa được giải quyết dứt điểm như các vướng mắc về cơ chế chính sách; giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA... cần được các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư tích cực chủ động giải quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

 

JLB Holdings tổng hợp/theo vneconomy